Giá cà phê liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua là tin vui cho những nông dân kiên trì gắn bó với loại cây này. Hiện giá dao động ở mức 98-100 ngàn đồng/kg, cao nhất trong lịch sử ngành cà phê. Theo tính toán của nông dân, nếu mỗi ha cà phê cho thu hoạch từ 3,5-3,6 tấn, với giá bán 95 ngàn đồng/kg thì người trồng thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha.
Thế nhưng trong câu chuyện bên ly cà phê sáng, một số DN chế biến cà phê tỏ ra lo ngại khi lượng cà phê để thu mua không nhiều. Trong khi đó, đến khoảng tháng 10 mới vào vụ thu hoạch. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, dù giá cao nhưng các DN chủ yếu xuất khẩu dạng thô, do đó giá trị cà phê chưa cao.
Dẫn chứng từ số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT cũng cho thấy, quý I/2024 dự kiến Việt Nam xuất khẩu gần 600 ngàn tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị. Cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu tuy có tăng nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước.
Cà phê vốn dĩ là cây trồng thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân diện tích ngày càng giảm. Nếu như năm 2022 diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh là 3.826ha, đến nay đã giảm hơn 180ha, hiện còn hơn 3.640ha.
Hầu hết các vườn cà phê còn lại trên địa bàn tỉnh đều được trồng xen canh với cây hồ tiêu, ca cao hoặc cây trồng khác và không còn cà phê trồng riêng lẻ trên một diện tích đất. Điều này cũng đặt ra không ít thách thức cho DN chế biến xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh khi thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đó là chưa kể, chất lượng cà phê cũng khó đáp ứng tiêu chuẩn thị trường thế giới.
Đặc biệt, yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu cà phê trong những năm gần đây đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm. Đơn cử như từ cuối năm 2022, EU yêu cầu cà phê xuất khẩu vào thị trường này không được liên quan đến nạn chặt phá rừng. Ngoài ra, EU cũng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về dư lượng thuốc trừ sâu với hạt cà phê (0,1mg/kg), do đó nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới.
Có lẽ câu chuyện nâng cao giá trị mặt hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng luôn là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, trăn trở của cơ quan chức năng, DN. Đương nhiên, năng suất cà phê không nên chú trọng bao nhiêu tấn/ha mà phải quy ra giá trị doanh thu và lợi nhuận bao nhiêu trên mỗi ha đó.
Chính vì vậy, muốn nâng cao giá trị cũng như phát triển bền vững cây cà phê, cần chú trọng đầu tư sản xuất sạch để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, đặc biệt là những thị trường khó tính. Đồng thời tập trung tổ chức lại sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao, tăng chế biến sâu.
Việc làm này đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa nhà nước, DN với người trồng theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh.
Nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, làm thế nào để cà phê không chỉ là thức uống mà còn mang nhiều giá trị văn hóa tinh thần khác.
LAM GIANG