Mai này giao thông thông suốt…

Thứ Sáu, 01/03/2024, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Chưa bao giờ, hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sôi động như hiện nay. Trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều công trình giao thông đã, đang hoặc chuẩn bị được đầu tư xây dựng, hứa hẹn hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam.

Tháng 6/2023, tỉnh đã đồng loạt khởi công 3 dự án giao thông quan trọng là đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (đường ĐT994) và cầu Phước An (nối TX.Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Đến nay, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư 3 công trình này đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Hình hài tuyến đường hay cây cầu ngày càng lộ diện rõ ràng hơn.

Nhằm khai thác hiệu quả, đồng bộ lợi ích từ các công trình này mang lại, năm 2023 HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 tuyến đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là Quốc lộ 56-Vũng Vằn và Vũng Vằn-đường ĐT994. Hai tuyến đường này đi qua địa phận TP.Bà Rịa, huyện Long Điền và TP.Vũng Tàu; tổng chiều dài khoảng 13,5km, tổng mức đầu tư gần 12 ngàn tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra hôm 29/2, HĐND tỉnh tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường trục chính Vũng Tàu (đoạn từ nút giao đường ĐT994 đến nút giao vòng xoay đường 51B, C (TP.Vũng Tàu) nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ của tỉnh.

Hiện nay, các địa phương có dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua đang tích cực tiến hành các bước của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 7/2024 nhằm khởi công trong tháng 9/2024.

Thời gian bàn giao mặt bằng chỉ còn chưa đầy 5 tháng, gấp rút là vậy, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Thời điểm đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các địa phương có dự án đi qua là TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa đã tập trung toàn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác này. Nhờ đó, tiến độ triển khai dự án vẫn bảo đảm đúng kế hoạch.

Với 2 dự án đường nối vào cao tốc, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi đất nhiều hơn nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chính quyền địa phương cùng đơn vị chức năng đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời, cam kết công khai, minh bạch trong công tác kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đáp ứng ở mức tốt nhất trong điều kiện cho phép. Điều đáng mừng, do đã nắm được thông tin quy hoạch, được tuyên truyền, vận động và nhận thức rõ tầm quan trọng cùng những lợi ích dự án mang lại, nhiều hộ dân đã tỏ ý đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai dự án. Vì vậy, có cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng việc bàn giao mặt bằng 2 dự án này sẽ bảo đảm đúng tiến độ.

Khi nguồn vốn, mặt bằng đã sẵn sàng, tiến độ triển khai các dự án được bảo đảm. Chỉ vài năm nữa thôi, các dự án cầu, đường này hoàn thành, đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2026-2028, cùng với sân bay Long Thành, mạng lưới giao thông kết nối của tỉnh cơ bản hoàn chỉnh, thông suốt từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đến Vũng Tàu, Bình Thuận. Khi đó, thời gian, quãng đường từ các địa phương này và các tỉnh lân cận về Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được rút ngắn. Quốc lộ 51 sẽ được giảm tải. Từ đó, lượng hàng hóa đến cụm cảng Cái Mép-Thị Vải sẽ nhiều hơn. Du khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đông hơn. Chưa kể, các công trình này cũng giúp Bà Rịa-Vũng Tàu mở ra thêm nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, phát triển các dự án về kinh tế-xã hội, khu đô thị, khu du lịch dọc hành lang các tuyến đường này.

Hình ảnh một Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đại, giàu đẹp, thịnh vượng dần hiện hữu!

NGUYỄN ĐỨC

;
.