Tết an toàn từ những bữa ăn

Thứ Hai, 22/01/2024, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Mẹ tôi thường có thói quen tích trữ thực phẩm chuẩn bị Tết ngay từ đầu tháng Chạp. Thay vì nấu sẵn những nồi cá kho kỹ, thịt đông, thịt kho tàu... rồi treo lên trên gác bếp như những ngày xưa, mẹ tôi đi chợ, đặt hàng ở các sạp quen và xếp gọn từng ngăn thịt/cá tươi trong tủ lạnh. Mẹ tôi cho rằng, cận Tết thứ gì cũng sẽ lên giá và khó mua được loại như ý, vậy nên bà tích trữ dần để khi con cháu quay trở về đông đủ sẽ không lo thiếu cho những bữa tiệc đoàn viên.

Có lẽ nhiều người cùng thế hệ của bà vẫn còn chưa bỏ được sự lo xa ấy. Và ở thời buổi này, thói quen đó đã không còn phù hợp khi mọi nguồn thực phẩm tươi ngon luôn sẵn sàng mỗi ngày, chưa kể việc tích trữ quá lâu còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe.

Dù được con cháu góp ý, nhưng mẹ tôi vẫn nhấn mạnh rằng, bà từng làm thế bao năm và nuôi cả đàn con lớn khôn mà chưa hề hấn gì. Cho đến dịp gần đây, sau bữa ăn tối, cả gia đình đã phải nhập viện cấp cứu. Kết quả nghi do ngộ độc thực phẩm từ món thịt kho trứng để quá lâu và bị nhiễm khuẩn. Cũng nhờ được bác sĩ giải thích, tư vấn, mẹ tôi hiểu hơn và bắt đầu thay đổi thói quen về an toàn thực phẩm. Bà còn tự tìm hiểu kiến thức và phổ biến cho những bà nội trợ trong xóm rằng: "Thịt khi được tích trữ quá lâu trong tủ lạnh sẽ dễ bị biến đổi chất và gây hại không nhỏ cho sức khỏe khi ăn vào cơ thể. Thông thường, các loại thịt trữ đông chỉ nên ăn trong 15 ngày đổ về, sau 5 ngày đã có biến đổi lớn về chất dinh dưỡng".

Câu chuyện của mẹ tôi về an toàn thực phẩm không phải là quá hiếm gặp trên thực tế, nhất là ở những vùng quê, xa khu vực đô thị. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm là vô cùng quan trọng, phải thường xuyên, bền bỉ và phủ rộng ở mọi vùng miền. Trong đó, đặc biệt tăng cường cho khu vực nông thôn và tùy từng nhóm đối tượng để có cách tuyên truyền phù hợp.

Đặc biệt, những dịp lễ, Tết đang cận kề, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm càng cần được đẩy mạnh nhiều hơn để giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn từ nhiều nguyên nhân. Việc kiểm soát nguy cơ mất an toàn thực phẩm ngay từ nguồn là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn thực phẩm bẩn lưu thông và đến tay người tiêu dùng.

Từ trước Tết dương lịch, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành liên tiếp các công văn chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan bảo đảm an toàn thực phẩm cho mùa lễ hội năm 2024. Theo Cục An toàn thực phẩm, đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các địa phương và cơ quan chủ quản phải chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Cục yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.

Công tác thanh, kiểm tra cũng được chỉ đạo tăng cường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp cơ sở cũng đã và đang thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán.

Để giảm thiểu tối đa các nguy cơ ngộ độc, mất an toàn thực phẩm, một phần rất quan trọng là người tiêu dùng cần phải có kiến thức, biết tuân thủ các quy định và thực hiện khuyến cáo từ các cơ quan chuyên môn.

TIỂU CƯỜNG

 

;
.