Tạo sức sống cho sản phẩm OCOP
Chị bạn gọi điện nhờ mua sản phẩm OCOP là hạt điều rang muối, tiêu và sô cô la, vì biết mẹ tôi ở huyện Châu Đức. “Cuối tuần về thăm bà, em tranh thủ ghé mua giúp chị nhé”, dặn rồi chị kể, con gái làm việc ở Singapore về nghỉ lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2024. Trước khi trở lại nước ngoài làm việc, nhờ mẹ tìm mua một số sản phẩm “made in Bà Rịa - Vũng Tàu” để mang qua làm quà cho đồng nghiệp.
Thế là chị liền dẫn cháu vào siêu thị tìm mua sản phẩm OCOP. Nhưng đi 2-3 siêu thị lớn tại TP. Vũng Tàu vẫn không tìm ra sản phẩm nào. Gõ Google tìm thông tin sản phẩm OCOP Bà Rịa - Vũng Tàu thì chị được biết, có 4 gian hàng trưng bày tại huyện Châu Đức, Long Điền và Sở NN-PTNT. “Chị đi du lịch, tham quan một số tỉnh, thành ở miền Tây Nam Bộ, miền Bắc, điều dễ nhận thấy là tại các điểm du lịch đều có gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương. Thậm chí, hướng dẫn viên khi giới thiệu khách mua về làm quà cũng là sản phẩm OCOP. Họ làm tốt quá”, chị nói.
Câu chuyện của chị cũng đang là sự trăn trở của chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Phải khẳng định rằng, sản phẩm OCOP cũng đã được các chủ thể chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, đạt chứng nhận HACCP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác. Nhưng đến khâu quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 92 sản phẩm của 45 chủ thể được công nhận 3 sao trở lên. Tuy nhiên, ngoài cà phê Nón Lá, hải sản của HTX Nguyên Phát được bày bán tại GO! Bà Rịa, số còn lại vẫn chưa vào được siêu thị nào. Thậm chí, trong số này có sản phẩm đã xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ chú trọng đến quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp, xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, triển khai hiệu quả việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển thương mại điện tử... nhằm đưa sản phẩm OCOP của tỉnh trở thành hàng hóa có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Có thể khẳng định rằng, thông qua nhiều chương trình quảng bá, trưng bày giới thiệu, sản phẩm OCOP đang ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhưng để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, sẽ cần rất nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn. Hay nói như tư lệnh ngành là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thì, nếu cứ đếm số đầu sản phẩm OCOP mà không lượng hóa được có bao nhiêu sản phẩm được thị trường hóa, thì chưa hiểu hết giá trị của kinh tế nông nghiệp. Quan trọng nó phải nằm ở trên cái kệ hàng và cũng không chỉ nằm một lần, mà phải nhân giá trị sản phẩm lên. Ở đó là tiếp thị, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP ở mọi ngóc ngách thị trường, từ chợ du lịch, khu du lịch đến cửa hàng…
Đặc biệt là làm thế nào để người tiêu dùng, khi có nhu cầu mua bất cứ sản phẩm OCOP nào của địa phương cũng không phải gặp khó như câu chuyện của chị bạn của tôi kể trên. Đó là có thể mua ngay tại cửa hàng phân phối bán lẻ hay siêu thị gần nhà, lúc nào cũng có sản phẩm OCOP bày bán sẵn trên các quầy, kệ.
NGÔ GIA