.

Động lực từ sức ép cạnh tranh

Cập nhật: 18:24, 23/01/2024 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (gọi tắt là RCEP) chính thức có hiệu lực. Sau 2 năm thực thi đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Với 15 quốc gia thành viên gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand ký kết Hiệp định, trong 2 năm qua, RCEP tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại khu vực ngày càng sâu sắc, tạo động lực mạnh mẽ cho hội nhập và phát triển kinh tế. Chi phí thương mại trong khu vực đã giảm đáng kể, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ hơn, mang lại lợi ích cho nhiều người dân hơn. Hơn 90% hàng hóa được giao dịch trong khu vực sẽ dần được hưởng mức thuế suất bằng 0. Tổng dân số, tổng sản phẩm quốc nội và thương mại hàng hóa của các nước thành viên RCEP chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu. Việt Nam cùng các nước đã thực hiện các quy tắc RCEP với chất lượng cao, thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ mở đầu theo hiệp định, đồng thời liên tục thúc đẩy việc cắt giảm và miễn thuế.

RCEP được biết đến là khu vực hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu rất năng động trên thế giới. Khu vực này chiếm 50-55% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu chiếm 25-30%, còn nhập khẩu xấp xỉ 70%. Như vậy, các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt là nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành như dệt may, da giày, hóa chất… Do vậy, DN có nguồn đầu vào giá tốt, nguồn công nghệ có chất lượng để cải thiện năng lực sản xuất và tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thách thức lớn nhất là hiện nay vẫn còn một bộ phận cơ quan, DN cho rằng RCEP có tiêu chuẩn thấp, ít lợi ích hơn so với EVFTA, CPTPP… CIEM cũng chỉ dẫn, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP của Việt Nam còn tương đối thấp, chỉ 0,67% và cũng là thấp nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Có nhiều nguyên nhân khiến việc tận dụng ưu đãi của RCEP chưa như kỳ vọng, trong đó chủ yếu vẫn do DN chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi.

Bên cạnh đó, so với các quốc gia thành viên, DN nước ta còn yếu về quy mô vốn, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động nên gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh trên các thị trường, đặc biệt là khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Do vậy, cơ quan chức năng cũng như DN cần nhận diện rõ hơn những rào cản, thách thức qua 2 năm thực thi RCEP. Đồng thời, DN phải xem sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Không chỉ RCEP mà các FTA thế hệ mới chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động thích ứng những thay đổi về môi trường kinh doanh, chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Về phần mình, cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục cung cấp thông tin cho DN về các FTA mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết, trong đó có RCEP, cùng với đó hỗ trợ, hướng dẫn DN chủ động ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, nhất là các quy định, tiêu chuẩn mới gắn với phát triển bền vững cũng như các rủi ro phòng vệ thương mại ở đối tác.

NGÔ GIA

.
.
.