Để có ngôi trường hạnh phúc?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 16:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi tình cờ nghe được câu chuyện về giáo dục của hai người bạn. Một người bày tỏ ý kiến không đồng tình việc phụ huynh yêu cầu lắp đặt camera để theo dõi trẻ thường xuyên ở trường hoặc thỉnh thoảng tạt qua trường để ngó chừng con. Người bạn này cho rằng đây là điều này không cần thiết, mà nên giao phó cho trường khi đã lựa chọn để gửi con. Người bạn khác thì lại cho rằng, những lo lắng và muốn được theo dõi con trong thời gian ở trường của cha mẹ không phải là thừa. Bởi môi trường trong trường học chưa thực sự đem lại cảm giác an toàn, an tâm cho phụ huynh. Người bạn cũng dẫn chứng về trường hợp 1 đứa bé 11 tháng tuổi tử vong “bất thường” khi được trông giữ tại một cơ sở trông trẻ tư nhân. Nguyên nhân dẫn đến việc bé tử vong được xác nhận là do: suy đa cơ quan ở cơ thể, bị chấn thương sọ não kèm viêm phổi. Tác động gây chấn thương sọ não là do vật tày, diện tiếp xúc rộng gây nên; tác động trực tiếp vào vùng đầu cơ thể nạn nhân hướng từ sau ra trước. Trong khi trước đó, bé được gia đình đưa đi gửi với tình trạng khỏe mạnh, không có dấu hiệu ho, ốm hay bệnh tật.

Những nỗi lo trên là hoàn toàn có cơ sở, khi còn không ít những mối nguy mất an toàn xảy ra trong trường học. Cách đây vài tháng xảy ra trường hợp bé trai 7 tuổi đang học tại 1 trường tiểu học bị mảnh vỡ gạch men lót sàn (mà nhà trường chưa kịp thay) đâm vào đầu gối khi bé nô đùa trên bục sân khấu của trường. Tai nạn khiến bé bị thương nặng phải phẫu thuật cầm máu và khâu vết thương.

Bên cạnh nỗi lo tai nạn thương tích, thì tình trạng bạo lực học đường, áp lực học hành… khiến các phụ huynh cảm thấy chưa an tâm khi trẻ ở trường. Dù vậy, những giải pháp được triển khai trong thời gian qua để khắc phục các vấn đề này vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực xây dựng nên những “Ngôi trường hạnh phúc”, để mang đến môi trường giáo dục an toàn, HS được yêu thương và tôn trọng. Rất nhiều giải pháp mà ngành GD-ĐT tỉnh đã đặt ra như: Đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú trong các giờ sinh hoạt lớp, thiết kế không gian lớp học xanh, xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện, chống bạo lực học đường... Những cuộc hội thảo, tọa đàm về trường học hạnh phúc vừa được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp giảm áp lực trong nhà trường, loại bỏ bạo lực học đường, khơi thông giáo dục tích cực, tạo ra môi trường học tập mà ở đó mọi HS đều được hưởng những giá trị tinh thần và hành vi tốt đẹp.

Ở một số trường học cũng đang áp dụng mô hình, phương pháp giáo dục trẻ mầm non tiên tiến từ việc thiết kế trường, lớp học theo hướng an toàn, phòng tránh thấp rủi ro tai nạn cho trẻ theo từng độ tuổi, cho đến việc tăng cường giáo dục các kỹ năng bảo vệ bản thân, làm việc nhóm, giao tiếp, sinh hoạt… Ở cấp mầm non 5 tuổi, trẻ còn được dạy và hướng dẫn các kỹ năng để chuẩn bị thích ứng với môi trường học tập khi chuyển lên cấp tiểu học.

Bên cạnh đó, cảm giác an toàn, hạnh phúc cho trẻ còn là những thay đổi tích cực trong cách cư xử hằng ngày giữa cô với trẻ. Những đứa trẻ đến lớp không còn cảm giác lo lắng, sợ hãi vì bị cô “ép” ăn hay phạt đòn nếu trẻ lỡ có phạm lỗi. Mà thay vào đó là háo hức theo cô ra mảnh vườn nhỏ xem hạt lúa, hạt cải hôm trước cô trò gieo hạt đã nảy mầm chưa? Hay hào hứng mỗi khi tan học được đem về tặng mẹ, tặng bà những chiếc thiệp xinh xinh do bé tự làm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3…

Dù vậy, để tạo dựng những “Ngôi trường hạnh phúc”, không phải dễ dàng. Điều đó phải đi từ những chính sách xây dựng một chương trình giáo dục hướng đến trường học hạnh phúc một cách khoa học, hiện đại, được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới. Bên cạnh đó là một sự nỗ lực rất lớn không chỉ của ngành GD-ĐT mà còn của các cấp chính quyền và ban ngành khác, sự chung tay của các bậc cha mẹ, cộng đồng xã hội.

MINH THIÊN

 

;
.