Sớm khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế
Mẹ tôi bị các triệu chứng như đau bụng, chân tay sưng phù, nên phải vào bệnh viện tỉnh để cấp cứu điều trị. Do bà bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, nên dẫn đến hiện tượng suy giảm, rối loạn chuyển hóa protein gây ra.
Ngoài việc điều trị cấp cứu, bác sĩ cũng kê đơn thuốc bổ sung viên đạm thận, nhằm kiểm soát tình hình sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ cũng nói thêm là bệnh viện không còn loại thuốc này, nên người nhà bệnh nhân phải ra các nhà thuốc tìm mua. Cũng phải chạy đôn chạy đáo qua nhiều nhà thuốc lớn, chúng tôi mới mua được loại bác sĩ kê đơn và giá không hề rẻ, 15 ngàn đồng/viên. Mẹ tôi khi biết chuyện đã rất lo lắng về chi phí thuốc men, do bệnh của bà thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị. Đó là chưa kể, có một số loại thuốc phải lên tận TP.Hồ Chí Minh tìm mua tại nhà thuốc lớn mới có.
Một số bệnh nhân khác khi điều trị ở đây cũng gặp tình trạng tương tự. Vấn đề này cũng được Sở Y tế, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu phản ánh giữa tháng 10 vừa qua tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh nhằm sớm khắc phục việc thiếu thuốc, vật tư y tế để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ý kiến trong 2 ngày thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội về tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị.
Bộ Y tế đã trình nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế như: trình, ban hành các văn bản để tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo nguồn cung mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tập trung tiến độ cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Bộ cũng đã chỉ đạo các DN tìm nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm cho các cơ sở y tế trực thuộc bộ.
Dù việc thực hiện các giải pháp đã đạt kết quả tích cực bước đầu, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu thuốc ở một số địa phương, và có 38,59% đơn vị báo cáo thiếu cục bộ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại Kỳ họp.
Chất lượng cuộc sống, chăm lo sức khỏe cho người dân là 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững của đất nước, do đó vấn đề thiếu thuốc cần tất cả bộ, ngành vào cuộc. Đặc biệt là cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ những chính sách của ngành y tế và các cơ sở khám chữa bệnh. Có như vậy, những người bệnh như mẹ tôi không còn phải lo lắng, e ngại khi vào bệnh viện để điều trị.
NGÔ GIA