.

Chống cuộc gọi lừa đảo

Cập nhật: 18:13, 27/10/2023 (GMT+7)

Từ ngày 27/10, tất cả số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TT-TT, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Tương tự, cuộc gọi của DN viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng như: VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone); VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT); LOCAL (nhà mạng ASIM)…

Như vậy, kể từ ngày 27/10, các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT-TT hay DN viễn thông, nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Thông tin trên được nhiều người dân quan tâm, bởi thời gian qua, các cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo cơ quan nhà nước, tổ chức, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Điển hình, một số đối tượng sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo, xưng danh gọi từ Bộ TT-TT, công an, viện kiểm sát, ngân hàng, nhà mạng viễn thông… gọi đến số điện thoại cố định, di động của người dân với mục đích đe dọa để lừa đảo. Nhiều người nhận được những cuộc gọi đó rất bất ngờ, tỏ ra sợ hãi, thậm chí sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình, nên nhẹ dạ, cả tin làm theo.

Khi nắm được thông tin cá nhân của người dùng, đối tượng lừa đào hướng dẫn làm các bước tiếp theo như: thực hiện cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, chuyển hướng cuộc gọi. Sau khi chiếm quyền nhận cuộc gọi, đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Thậm chí, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh giáo viên, hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện cho phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện và yêu cầu người nhà phải chuyển tiền ngay để đóng viện phí. Lo lắng khi nghe người thân bị tai nạn, không ít phụ huynh đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng và bị chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Bộ CHQS tỉnh có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi của người lạ tự xưng là cán bộ quân đội để đặt hàng, đặt tiệc; đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin và liên hệ với các đơn vị để xác minh trước khi thực hiện giao dịch.

Theo đó, một số đối tượng giả danh cán bộ lực lượng vũ trang gọi điện cho một số DN phụ tùng ô tô, gas, nội thất, nhà hàng, dịch vụ nấu ăn... và nói có nhu cầu đặt mua các mặt hàng, đặt tiệc liên hoan để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài thủ đoạn này, còn có tình trạng đối tượng giả danh gọi điện thoại, nhắn tin qua mạng xã hội tự xưng đang công tác tại đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để thu thập thông tin, bán sách hoặc giả danh sĩ quan quân đội hù dọa tống tiền gia đình có con em đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, bán thuốc, quảng cáo dịch vụ, sản phẩm.

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là trên lĩnh vực viễn thông, mạng Internet để phát tán tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Do đó, việc Bộ TT-TT và các nhà mạng sử dụng tên định danh cho các số điện thoại có tương tác với người dân góp phần phòng, chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

TRIỆU VỸ

 
.
.
.