.

Lại nóng chuyện bạo lực học đường

Cập nhật: 19:22, 20/10/2023 (GMT+7)

Bạo lực học đường (BLHĐ) là một vấn nạn tồn tại nhiều năm nay, nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thời gian gần đây, BLHĐ lại tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, với nhiều vụ việc phức tạp, trở thành vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Nguy hại hơn, BLHĐ không chỉ xảy ra giữa HS với HS, mà ngay cả giữa giáo viên với HS, thậm chí cả phụ huynh với giáo viên.

Dù mới trải qua chặng đầu của học kỳ I, nhưng năm học 2023-2024 đã có nhiều vụ BLHĐ diễn ra. Cụ thể: Đầu tháng 10, tại Đắk Lắk, một nữ sinh lớp 10 bị bạn học cùng lớp dùng guốc nhọn đánh thẳng vào đầu, phải đưa đi cấp cứu và phải khâu 4 mũi. Dư luận càng “sốc” hơn khi một clip phát tán lên mạng ghi lại cảnh một nữ sinh thuộc trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, sau đó, cô giáo túm áo, kéo lê nữ sinh này. Nguyên nhân là do nữ sinh K.C (Bí thư Chi đoàn) đặt bánh sinh nhật (tháng 9) cho các bạn trong lớp không đúng ý của cô P. (giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4) nên bị cô chủ nhiệm “yêu cầu” ra đứng ngoài cửa lớp và “tự giải quyết” chiếc bánh đã đặt.

Mới đây nhất, ngày 14/10, thầy Nguyễn Đình Thiều (Hiệu phó trường THPT Hàm Tân, Bình Thuận) bị một nhóm người đến nhà riêng đánh gãy sống mũi, vỡ răng hàm, tổn thương mắt… phải chuyển viện lên tuyến trên, điều trị tại Bệnh viện 115 TP.Hồ Chí Minh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trước đó, thầy Thiều, cùng thầy quản sinh và giáo viên chủ nhiệm có buổi làm việc với một em HS lớp 11, tường trình về việc phát tán hình ảnh thầy cô và HS trong trường với nội dung không phù hợp. Sau đó, phụ huynh của HS nói trên đã chở một nhóm người đến nhà thầy hiệu phó, thầy quản sinh lớn tiếng chửi bới, đập phá tài sản và đánh người.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ HS đánh nhau cả trong và ngoài trường học. Trung bình cứ 5.200 HS lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 HS có một em bị buộc thôi học vì hành vi BLHĐ. Nghiêm trọng hơn, đối tượng HS vi phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng và hành vi bạo lực cũng đa dạng hơn.

Do nhiều nguyên nhân, trước khi BLHĐ xảy ra, phần lớn HS không tìm đến giáo viên chủ nhiệm, cũng không chuyện trò với phụ huynh để nhờ sự giúp đỡ, tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ. Cảm giác cô đơn và bất lực trước BLHĐ, nhiều em đã tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để bày tỏ nỗi lòng và tìm kiếm những lời khuyên. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng đây là một hiện tượng đáng báo động, là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Lâu nay, những vụ việc bắt nạt học đường, đánh nhau giữa các nhóm HS… thường được xã hội nhìn nhận như là hiện tượng của những đứa trẻ hư hoặc của những học sinh cá biệt; thực tế, trẻ ngoan giờ cũng có thể trở thành nạn nhân của BLHĐ. Có thể, từ chính cách nhìn nhận phiến diện, một chiều như vậy đã khiến chúng ta chưa có những hành động quyết liệt, chưa có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn hiệu quả BLHĐ.

Ts Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng: Vấn nạn BLHĐ đang trở nên báo động hơn bao giờ hết. Khi xã hội còn đó những chuyện thầy cô bạo hành, dâm ô học sinh, cha mẹ đánh chửi nhau, hành hạ con cái… thì không thể trách vì sao trẻ bị nhiễm thói xấu, trở nên hư. Chỉ nên trách người lớn đã chưa thực sự quan tâm và giúp đỡ trẻ vượt qua những khủng hoảng tâm lý tuổi học trò.

Khi BLHĐ đã trở thành một vấn đề cấp bách, điều quan trọng đặt ra là cần có những giải pháp cụ thể và thiết thực từ nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, nhiều chuyên gia giáo dục nhấn mạnh về việc trả lại vai trò, vị trí của nhà tham vấn trong trường học cũng như vai trò của phòng tâm lý tư vấn học đường. Đây được coi là giải pháp rất cần thiết để lập ra các quy trình phòng ngừa, can thiệp ban đầu và để điều hòa, giải tỏa những bất ổn nảy sinh từ mâu thuẩn của HS.

Đồng thời, cần phát huy vai trò tích cực của mạng xã hội trong việc kết nối giữa giáo viên với phụ huynh để sớm phát hiện dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần, hoặc các biểu hiện tiêu cực của những hội, nhóm HS.

HOÀNG LÊ

.
.
.