.

Xóa bỏ rào cản về giới

Cập nhật: 19:06, 19/10/2023 (GMT+7)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng nam nữ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng thời với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quán triệt sâu sắc những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ, Đảng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản. Trong đó, Hiến pháp 1992 khẳng định nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình, nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội.

Phụ nữ Việt Nam có truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc đã ghi nhận nhiều nữ anh hùng hào kiệt điển hình. Thời phong kiến có Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân… Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc có nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng hàng trăm ngàn nữ chiến sĩ cách mạng, thanh niên xung phong đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó có nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh như nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc…

Trong thời bình gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam càng khẳng định được vai trò, vị thế từ gia đình đến xã hội. Phụ nữ có mặt ở khắp các mặt trận, từ sản xuất, kinh doanh đến hoạt động chính trị, xã hội. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2022, có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ UBND cấp tỉnh trong cả nước có nữ lãnh đạo chủ chốt là 37,7%, cấp huyện là 31,77%, cấp xã là 24,94%. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý của tỉnh chiếm 28,8% tổng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng đạt 29,96%; có 34,09% cán bộ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp, 77/112 sở, ban, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều phụ nữ là chủ hoặc là lãnh đạo doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo đã khẳng định được thương hiệu, uy tín không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế như: Vinamilk, REE, BRG. Việt Nam cũng đã có nữ tỷ phú đô la đầu tiên là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet…

Những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bình đẳng giới. Tuy vậy, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt là ở một bộ phận người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Ở đó, nam giới được coi trọng hơn nữ giới, được gia đình ưu tiên trong học tập, phát triển sự nghiệp, còn nữ giới luôn là người phải chịu thiệt thòi, phải hy sinh vì nam giới.

Mặt khác, nhiều chị em phụ nữ có tư tưởng tự ti, an phận, không nỗ lực vươn lên để phát triển sự nghiệp, chấp nhận lui về phía sau làm nhân viên bình thường để có thời gian chăm sóc gia đình, tạo điều kiện và cơ hội cho chồng, con phát triển. Thậm chí, nhiều trường hợp nhân viên nữ khi được tổ chức đề bạt, giới thiệu để cất nhắc lên vị trí cao hơn đã từ chối cơ hội vì sợ áp lực công việc nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc chăm lo cho gia đình.

Cơ chế, chính sách thực hiện bình đẳng giới đã có đầy đủ. Tư tưởng nam nữ bình quyền cũng ngày càng mở rộng trong đời sống gia đình và xã hội. Vấn đề còn lại là ở chị em phụ nữ. Để thay đổi định kiến về giới, chị em phụ nữ phải thay đổi suy nghĩ, có khát vọng và ý chí vươn lên. Muốn vậy, phụ nữ cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tự tin khẳng định bản thân; đề ra mục tiêu và phấn đấu đạt được. So với nam giới, phụ nữ có nhiều trở ngại hơn trong việc khẳng định bản thân, nhưng nếu nỗ lực và quyết tâm, chị em hoàn toàn có thể làm được.

NGUYỄN ĐỨC

 

.
.
.