Suốt cả tuần lễ, chị Thu phải tất bật chạy đôn, chạy đáo để vừa lo chăm sóc, đưa đón con đi học, vừa chăm chồng ở bệnh viện do mắc sốt xuất huyết nặng.
Anh Trung, chồng chị Thu đã ngoài 40 tuổi, thường xuyên làm việc tại các công trình xây dựng. Trước khi nhập viện tầm 3 ngày, chồng chị Thu bị sốt cao liên tục, mệt mỏi nhưng cho rằng mình chỉ bị sốt siêu vi nên không đến cơ sở y tế để thăm khám. Sang ngày thứ 4, chồng chị Thu có biểu hiện vào sốc sốt xuất huyết, người mệt lả, lừ đừ và không bắt được mạch. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy chồng chị mắc sốt xuất huyết và đã rơi vào tình trạng nặng, phải nhập viện theo dõi điều trị. Điều đáng nói là, anh Trung ít có thói quen uống nước do hàng ngày mải mê với công việc, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh dễ trở nặng, vào sốc khi mắc sốt xuất huyết. Anh Trung còn là nguồn lây bệnh cho người thân trong gia đình do trong nhà có chỗ cư ngụ, đẻ trứng và sinh sôi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết bởi những bình bông có chứa nước và quá nhiều bụi rậm trong sân vườn.
Sau khi được xuất viện, anh Trung trở thành “cộng tác viên y tế cộng đồng” khi truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho chính người thân và bạn bè, đồng nghiệp. Anh Trung cho rằng, chỉ khi phải nhập viện điều trị bệnh, anh mới hiểu được rằng bệnh sốt xuất huyết không hề đơn giản và có thể có nguy cơ trở nặng bất cứ lúc nào. “Đừng chủ quan khi mình là người lớn, khỏe mạnh thì “trụ” được với sốt xuất huyết”, anh Trung nói. Tuy nhiên, theo anh Trung, sốt xuất huyết thực ra rất dễ phòng chống bởi ý thức của từng cá nhân, từng gia đình và cộng đồng nhỏ ở khu dân cư. “Chỉ việc vệ sinh, phát quang bụi rậm và dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, “tận diệt” nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là đã ổn rồi”, anh Trung chia sẻ.
Theo quan niệm của nhiều người, hiện đã vào giai đoạn cuối của mùa mưa, không còn “cao điểm” của sốt xuất huyết nên mức độ lơ là, chủ quan tăng cao. Trong khi đó, nhiều năm qua, sốt xuất huyết không còn lưu hành “theo mùa” mà đã quanh năm, nhưng vào mùa mưa vẫn gia tăng số ca mắc cao hơn mùa khô. Sốt xuất huyết không chỉ dễ trở nặng ở trẻ em mà còn ở cả người lớn, vì vậy bất cứ ai cũng không nên chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ và cần phải đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị kịp thời.
Nhằm nhắc nhở cộng đồng, đặc biệt nhấn mạnh về nguy cơ của bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn này, cuối tuần qua, Sở Y tế đã phối hợp với UBND TX.Phú Mỹ tổ chức Lễ phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết, đợt 2/2023. Hưởng ứng chiến dịch này, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã đồng loạt ra quân phòng, chống sốt xuất huyết.
Tại lễ phát động, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh về những nguy cơ do sốt xuất huyết đối với cộng đồng. Trong năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 16.489 ca mắc sốt xuất huyết, làm 17 bệnh nhân tử vong. Riêng từ đầu năm đến ngày 31/8, trên địa bàn tỉnh có 822 ca mắc, TP.Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc cao nhất, với 433 trường hợp.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu toàn ngành y tế chủ động phối hợp với ban, ngành đoàn thể, địa phương chủ động tham mưu UBND các cấp các giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khả thi và bền vững. Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị khi bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và bảo đảm đầy đủ thuốc men, dịch truyền, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp thường xuyên triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng theo hướng dẫn của cơ quan y tế; phối hợp với ngành y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và tập trung xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Sở Y tế cũng kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: Hàng tuần, mỗi nhà dành ra 15 phút để vệ sinh nhà cửa, vườn tược gọn gàng; loại bỏ các phế thải có thể chứa, đọng nước mưa quanh nhà. Cọ rửa và làm sạch dụng cụ chứa nước; đậy kín các lu, khạp, dụng cụ chứa nước đang sử dụng. Úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến.
Trên thực tế, sốt xuất huyết không phải là bệnh mới nổi, nhưng để có kiến thức đúng, qua đó chuyển đổi hành vi, tạo thói quen phòng, chống bệnh ở cộng đồng không phải dễ và có thể làm được trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, các đợt phát động chiến dịch ngay tại cộng đồng vẫn nên được triển khai đều đặn và thường xuyên hơn nữa bởi các cấp, các ngành và cơ quan chuyên môn.
TIỂU CƯỜNG