Thu hút, trọng dụng nhân tài phải thực chất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, năm 2025, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: KH-CN, GD-ĐT, văn hóa, khoa học xã hội, y tế, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Đặc biệt, phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.
Quyết định 899 của Chính phủ được đánh giá cao, nhằm đồng bộ chính sách trong cả nước, đồng thời được coi là giải pháp ngăn chặn “chảy máu chất xám” trong thời gian qua; điều chỉnh “dòng chảy” người hiền tài phục vụ cho hệ thống công lập. Tuy nhiên, hiệu quả có cao hay không, thực chất hay không còn tùy thuộc vào quá trình triển khai trong thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài bằng nhiều hình thức khác nhau. Song song đó, các địa phương cũng đã “trải thảm đỏ” với những chính sách riêng nhằm tìm kiếm nguồn lực chất lượng cao.
Nổi trội nhất phải kể đến Đà Nẵng. Từ cuối những năm 1990, Đà Nẵng đã đưa ra các chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài. Chẳng hạn như bố trí nhà ở trong thời gian từ 5-7 năm (miễn tiền thuê nhà); tạo điều kiện tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được hưởng kinh phí hỗ trợ ban đầu từ 80-280 mức lương cơ sở tùy vào trình độ và cơ sở đào tạo…
Đến nay Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho hơn 1.200 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên và từ đó trẻ hóa cũng như tạo chuyển biến về chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian đầu, Đà Nẵng đã chú trọng thu hút nhân lực đối với 18 ngành nghề theo cấp độ ưu tiên. Đối tượng thu hút gồm có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú, người tốt nghiệp đại học một số chuyên ngành thành phố có nhu cầu...
Không chỉ thu hút nhân tài bằng các chế độ đãi ngộ, Đà Nẵng còn tập trung bồi dưỡng những người xuất sắc từ các trường đại học. Từ năm 2004, thành phố triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc cấp học bổng ngay từ bậc đại học.
Riêng với Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ” cũng đã được triển khai trong nhiều năm qua, kể cả dùng ngân sách Nhà nước để gửi đi đào tạo nước ngoài, đào tạo có địa chỉ đối với những trường hợp đặc biệt... Vậy nhưng, nguồn lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ở cả môi trường công và tư, buộc tỉnh phải quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy mạnh xây dựng chính sách, tạo sức hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ là “cú hích” cần thiết để các cấp chính quyền, cơ quan chức năng mạnh mẽ vào cuộc trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc thu hút, trọng dụng nhân tài một cách căn cơ, có tính bền vững.
TIỂU CƯỜNG