Chủ trương hợp tình, hợp lý
Trước thềm năm học mới, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí công lập.
Thông báo nêu rõ, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí trong năm học 2023 - 2024.
Chỉ đạo của phó thủ tướng là rất kịp thời, hợp tình, hợp lý nên được đông đảo phụ huynh đồng tình trong bối cảnh thu nhập và đời sống của đại bộ phận người dân còn đối mặt nhiều khó khăn. Kinh tế hậu dịch COVID-19 tăng trưởng chậm. Nhiều nhà máy không có đơn hàng kéo theo nhiều người lao động bị giảm việc, mất việc làm dẫn đến giảm thu nhập hoặc mất thu nhập. Việc tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 sẽ gây áp lực lớn lên đời sống của nhiều người dân và sẽ khiến con đường đến trường của nhiều học sinh thêm gập ghềnh.
Với những gia đình có thu nhập và kinh tế khá giả, mức đóng học phí vài trăm ngàn đồng/tháng không phải là vấn đề lớn, nhưng với công nhân, lao động phổ thông hay những người buôn bán nhỏ, lao động thời vụ thì đây là một khoản tiền lớn cần phải tính toán khi cho con đi học. Bởi lẽ, ngoài học phí, phụ huynh còn phải lo nhiều khoản đóng góp, chi tiêu cho con đến trường: đồ dùng học tập, đồng phục, tiền cơ sở vật chất, quỹ lớp, học thêm… Theo tính toán sơ bộ, các khoản đóng góp, mua sắm đầu năm của một gia đình lao động có 2 con học phổ thông cũng lên đến hàng chục triệu đồng, bằng cả tháng lương của cha/mẹ.
Bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông theo hướng miễn học phí hoặc cấp bù 100% mức học phí tăng theo lộ trình quy định tại nghị định 81.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ 100% học phí bằng mức thu học phí công lập theo quy định của HĐND tỉnh cho từng cấp học theo từng năm học. Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2023-2024. Học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2024-2025. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí 65-75% học phí cho trẻ dưới 5 tuổi và học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023. Chuẩn bị cho năm học tới, Sở GD-ĐT đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng nghị quyết trình HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho cho trẻ dưới 5 tuổi và học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên với mức tương tự như năm học 2022-2023.
Đảng, Nhà nước ta đã xác định quan điểm: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Chính sách hỗ trợ học phí của Chính phủ và của từng địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa quan điểm đó. Đây cũng là một chính sách nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân mà Đảng bộ tỉnh khóa VII đã đặt ra. Chính sách đó còn tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được đến trường, nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ dở việc học hành vì gánh nặng chi phí học tập.
ĐỨC NGUYÊN