Gần 2 năm nay, cha tôi điều trị nội trú tại một bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh. Điều tiện lợi là không phải làm sổ khám giấy mà toàn bộ thông tin bệnh nhân, quá trình điều trị đều được thiết lập bằng hồ sơ bệnh án điện tử.
Mỗi bệnh nhân được quản lý bằng một mã số riêng. Người bệnh không cần mang bất cứ sổ khám, giấy tờ hoặc film chụp mỗi khi tái khám hoặc nhập viện điều trị. Kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, tình trạng bệnh từ khi bắt đầu khám, điều trị đều được cập nhật đầy đủ trong hồ sơ bệnh án điện tử. Viện phí cũng được thanh toán qua tài khoản ngân hàng liên kết với bệnh viện mà không phải chờ đợi đóng bằng tiền mặt. Việc đặt khám, lịch uống thuốc cũng được cài đặt sẵn trong ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử của mỗi cá nhân bệnh nhân được tải về điện thoại nên chúng tôi không mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục.
Điều này cũng thuận tiện hơn khi cấp cứu tại bệnh viện tuyến tỉnh. Đó là có thể cung cấp toàn bộ thông tin tình hình điều trị của bệnh nhân thông qua phần mềm bệnh án điện tử, giúp bác sĩ tuyến tỉnh nắm rõ để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Thế nhưng, rắc rối là chúng tôi phải in hồ sơ bệnh án ra giấy. Bên cạnh đó, trong một tuần điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh, điều tôi khá ngạc nhiên là ở đây được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị khang trang, hiện đại, nhưng mỗi ngày khám cho bệnh nhân, bác sĩ vẫn phải ôm một tập hồ sơ bệnh án giấy viết tay. Đó là chưa kể, mỗi ngày lại có bác sĩ khác nhau trực. Mỗi lần đi khám cho bệnh nhân điều trị nội trú lại phải giở tập hồ sơ giấy ra đọc và hỏi tình trạng bệnh của bệnh nhân. Việc làm này gây mất thời gian và công sức của các y, bác sĩ.
Số hóa bệnh án điện tử là một trong những mục tiêu của ngành y tế nhằm tối ưu hóa công tác quản lý cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thông tư số 46/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành về quy định hồ sơ bệnh án điện tử, nêu rõ lộ trình đến hết năm 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trên toàn quốc sẽ hoàn thành áp dụng bệnh án điện tử (EMR, thuộc mức 3). Tuy nhiên, theo thống kê đến đầu năm 2023 mới có 37/135 bệnh viện hạng 1 hoàn thành chỉ tiêu trên. 1.400 bệnh viện các loại khác mới chỉ áp dụng tin học ở mức độ thấp. Đây là con số khá khiêm tốn, cho thấy mục tiêu số hóa bệnh án điện tử còn gặp nhiều trở ngại.
Theo một chuyên gia y tế, bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy đã được coi là chuyển đổi số thành công đến 70%. 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao. Và trong tương lai gần, hồ sơ quản lý sức khỏe người dân phải được liên thông từ trạm y tế xã đến các cơ sở y tế tuyến trên. Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể nắm được đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người bệnh thông qua hệ thống máy tính. Muốn vậy, các bệnh viện, cơ sở y tế cần được ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng, thiết bị, máy móc. Bởi việc đầu tư này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý y tế trong quản lý bệnh viện. Đồng thời, sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh.
NGÔ GIA