Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó
“Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó” - là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS) nước ta hiện nay.
Từ giữa năm 2022 lại nay, thị trường BĐS nước ta rơi vào giai đoạn trầm lắng với nhiều diễn biến bất thường và tồn tại nhiều khó khăn làm ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) trong 5 tháng đầu năm 2023, có 551 doanh nghiệp BĐS giải thể (tăng 30,4%); doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, từ những công trình buộc phải tạm dừng do nhiều doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án; nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự; thậm chí phải đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ…
Cùng với những diễn biến chung, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lâm vào tình trạng đóng băng, không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như vài năm trước; nhiều dự án về nhà ở bị đình trệ hoặc phải tạm dừng thi công vì thiếu vốn. Số liệu thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 15.965 hồ sơ chuyển nhượng đất đai được thực hiện, giảm 28.858 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022.
Sự phát triển thiếu tính bền vững của thị trường BĐS thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có những hạn chế về chính sách, về cách vận hành chính sách của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là về những bất cập của phân khúc thị trường nhà ở (dư thừa căn hộ cao cấp, biệt thự liền kề, nhưng lại thiếu trầm trọng căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường BĐS thời gian qua trầm lắng sau chu kỳ tăng mạnh và nóng là do đầu cơ. Bây giờ, khi cơ hội đầu cơ không thuận lợi như trước, giá giảm, thanh khoản giảm, thì thị trường BĐS bước vào chu kỳ đóng băng. Đây là những tín hiệu về sự dịch chuyển tích cực của thị trường. Bởi, sau chu kỳ tăng nóng sang giai đoạn trầm lắng, khi những giải pháp mạnh tay được Chính phủ và các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, thị trường BĐS sẽ “ấm lên” theo xu hướng an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS là vướng mắc về pháp lý, chiếm tới 70% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS và các dự án BĐS. Trong thực tế, có những dự án, chủ đầu tư phải mất 5-7 năm mới nhận được mặt bằng xây dựng và phải mất 3-5 năm mới hoàn thiện thủ tục nộp tiền sử dụng đất.
Gỡ khó về pháp lý cho các dự án BĐS đòi hỏi các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của các cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đất đai và cần khắc phục tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Đồng thời, đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… để cân đối lại phân khúc thị trường BĐS.
Nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ xác định cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện của các địa phương; thông tin truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS.
Như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Vừa qua, chúng ta đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS và bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, không thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều. Do đó, tinh thần là khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết. Quan trọng là chung tay tháo gỡ về mặt pháp lý, ngồn vốn, quy hoạch, đất đai, định giá, các vấn đề liên quan tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền. Trên cơ sở đó giải quyết hiệu quả để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
HOÀNG LÊ