Nghĩ đến đại cuộc
Chỉ còn mấy tháng nữa, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam. Đây sẽ là sự kiện quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của nghề khai thác, xuất khẩu thủy sản nước ta trong những năm tiếp theo.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh.
“Thẻ vàng” của EC đối với ngành khai thác thủy sản Việt Nam là hình thức răn đe, để lại hậu quả lớn đến lợi ích của ngư dân, của ngành khai thác hải sản và đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu hải sản. Những năm đầu bị dính thẻ vàng IUU của EC, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu sụt giảm liên tục. Theo đánh giá của các chuyên gia, vị thế của các sản phẩm thủy sản Việt Nam ở thị trường EU ngày càng mờ nhạt. Nếu thẻ vàng IUU không được sớm tháo gỡ, thiệt hại kinh tế có thể lên tới gần nửa tỷ USD mỗi năm.
Như trong một trận bóng đá, thẻ vàng là hình thức cảnh cáo với cầu thủ khi phạm luật. Đi cùng với thẻ vàng sẽ là thiệt hại về tiền mà đội bóng phải chi trả. Nhưng quan trọng hơn chuyện tiền, thẻ vàng sẽ đẩy cầu thủ đến ranh giới mong manh giữa việc tiếp tục được chơi hoặc phải rời sân. Không có chuyện khi dính thẻ vàng, cầu thủ sẽ được trọng tài nương tay cho những tình huống xấu chơi tiếp theo.
Hơn 6 năm bị thẻ vàng IUU từ EC, cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền trong cả nước đã vào cuộc mạnh mẽ để gỡ bỏ hình thức cảnh cáo này. Các hội thảo quốc tế và trong nước được tổ chức. Hàng loạt giải pháp được đưa ra và triển khai hiệu quả. Trong đó có những giải pháp rất thực tế, như là việc xây dựng tiêu chuẩn và quy định cho các cảng cá về kiểm soát nguồn gốc thủy sản, định vị tàu cá của ngư dân trên ngư trường, hạn chế các nghề đánh bắt tận diệt nguồn lợi…
Thẻ vàng là sự việc không mong muốn, nhưng với ngành thủy sản Việt Nam, vốn quen với hình thức đánh bắt làm tổn hại đến nguồn lợi, nhiều chuyên gia đánh giá, đây cũng là cơ hội để cải tổ nghề cá, tạo nên một cuộc thay đổi. Và nếu thành công trong việc gỡ thẻ vàng IUU, thì cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU là hoàn toàn khả thi.
Nhưng khi dính thẻ vàng, nghĩa là đang trong một thời điểm nhạy cảm, đòi hỏi sự tỉnh táo để tránh tiếp tục phạm luật. Đi kèm với đó là sự hỗ trợ tối đa từ hệ thống, bảo đảm không để “cầu thủ” bị dồn vào thế bí, bắt buộc phải phạm luật. Hiểu theo cách như vậy, trong thời điểm này, hệ thống cảng cá, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cần phải kiểm soát nghiêm ngặt, triển khai đầy đủ và đúng quy định hoạt động khai thác thủy sản, bảo đảm không để xảy ra các sự cố, ảnh hưởng đến đại cuộc.
Đối với từng ngư dân, từng cảng cá - vốn là những mắt xích đặc biệt quan trọng trong dẫn tới đánh giá cuối cùng của EC - đây là lúc không thể chỉ vì lợi ích của cá nhân mà bỏ qua lợi ích của cả ngành khai thác, chế biến thủy sản.
Và đương nhiên, nếu một ai đó tiếp tục xem thường quy định, xem nhẹ lợi ích chung, tiếp tục bỏ qua những khuyến cáo và phạm luật, sẽ khó tránh khỏi hình phạt nghiêm minh.
HOÀNG PHỐ, NGUYÊN MINH