'Cú hích' cho kinh tế đêm

Thứ Sáu, 04/08/2023, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần rồi, tôi tiếp nhóm bạn đại học từ TP.Hồ Chí Minh về Vũng Tàu du lịch. Ban ngày, cả nhóm năng động tham quan, ngoạn cảnh, check in, tắm biển. Cuối ngày cùng nhau ăn uống tại chợ đêm Hồ Mây, nằm ngay mặt tiền đường Trần Phú.

Đang mùa hè, khách du lịch nhiều. Chợ đêm Hồ Mây đầy ắp người ăn uống, nói chuyện rôm rả, âm nhạc sôi động. Một khung cảnh vô cùng vui vẻ, sống động.

Ăn xong, nhóm bạn muốn dạo bộ, mua quà lưu niệm, nghe nhạc, nhâm nhi ly bia. Lúc này, tôi lúng túng vì không thể tìm điểm nào đáp ứng được các yêu cầu trên. Cuối cùng, tôi đưa ra ý kiến cùng đi bộ từ chợ đêm Hồ Mây ngược về Bãi Trước, ngồi bờ kè hóng mát rồi muộn một chút bắt xe điện vào trung tâm mua sắm, xong ghé quán bar giải trí.

Thật ra, các mô hình, dịch vụ đáp ứng nhu cầu giải trí về đêm đã hình thành và phát triển cùng với ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu từ rất lâu. Ở các địa bàn trọng điểm về du lịch như TP.Vũng Tàu, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Côn Đảo đều có một số mô hình như phố ăn đêm Đồ Chiểu, “phố Tây” Phan Chu Trinh, chợ đêm Long Hải, phố hàu Phước Hải, phố đi bộ Hồ Tràm… hình thành tự phát hoặc do chính quyền địa phương tổ chức rất thu hút khách du lịch và người dân địa phương.

Tuy nhiên, các mô hình trên đa phần mới chỉ đáp ứng ứng nhu cầu ăn mà chưa có điểm nhấn gây ấn tượng mạnh mẽ, thiếu chỗ giữ xe, nhà vệ sinh công cộng và thường kết thúc trước 23 giờ. Phần giải trí nửa đêm về sáng như chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật - giải trí - văn hóa, các hoạt động tăng trải nghiệm hấp dẫn… hoàn toàn thiếu.

Mới đây, Bộ VH-TT-DL ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh/thành gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm.

Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đề án cũng gợi ý các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, như: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm…

Về giải pháp thực hiện, đề án đồng bộ các giải pháp về quy hoạch đô thị, cơ chế chính sách, đầu tư, quảng bá. Trong đó nhấn mạnh việc bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và các điều kiện kinh doanh khác theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi khai thác phát triển sản phẩm du lịch đêm phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn; đề xuất cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau…

Dĩ nhiên, để hiện thực hóa phát triển kinh tế ban đêm, các địa phương sẽ phải trải qua nhiều thách thức, rào cản liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành, thói quen kinh doanh phục vụ du lịch lâu nay và dung hòa để giảm mức thấp nhất xung đột với đời sống của cộng đồng địa phương.

Thế nhưng, với những giải pháp đồng bộ, đề án đặt ra sẽ tạo “cú hích” đánh thức tinh thần sáng tạo và cống hiến của người dân và DN du lịch Việt, thúc đẩy đầu tư phát triển ngành du lịch và tạo ra nhiều việc làm, mở ra một không gian văn hóa mới độc đáo, gia tăng sự tương tác giữa du khách và văn hóa bản địa.

Trong tương lai gần, kỳ  vọng  cụm từ “by night” (về đêm) truyền cảm hứng, tạo sức hấp dẫn mới và trở nên quen thuộc mời gọi du khách quốc tế, xây dựng thương hiệu du lịch vượt trội cho không chỉ Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả dải đất hình chữ S trên bản đồ du lịch thế giới.

TRẦN HIỀN

 
;
.