Gần 60 tuổi, sức khỏe đã giảm sút, nhưng bà Thủy vẫn phải bươn chải, tìm việc làm theo ngày, thời vụ để trang trải cuộc sống. Bà từng làm nghề nông ở quê miền Trung, nơi thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, bão tố triền miên và có năm thuận lợi thì lại “được mùa, mất giá”. Vì vậy, suốt những năm tháng tuổi trẻ, bà Thủy vẫn không thể tích cóp để có một khoản dành dụm khi tuổi già.
Gần 50 tuổi, bà rời quê nhà, vào Vũng Tàu làm giúp việc gia đình. Chỉ được vài ba năm, bà buộc phải nghỉ việc do không còn nhanh nhẹn vì mắc bệnh xương khớp. Từ đó, bà lăn lộn khắp chốn với những công việc theo thời vụ, theo giờ không có tính ổn định.
Bà Thủy nói, giá như ngày ấy (những năm 2000) - khi miền quê của bà được thí điểm cho nông dân tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu thì nay đã có một suất hưu để an nhàn tuổi già. Trong khi đó, cùng trang lứa cũng là nông dân như bà, nhưng có người đã được nhận sổ hưu từ dăm năm về trước, không còn phải lo lắng nay nắng mai mưa, kiếm được việc làm hay chưa… Thậm chí, có người còn “khéo co để ấm” bằng cách tính toán sao cho mức đóng BHXH phù hợp nhất để có được khoản lương hưu không quá thấp, nhằm bảo đảm cuộc sống. Bởi, mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, đóng cao sẽ được hưởng lương hưu cao khi hết tuổi lao động.
Nỗi trăn trở, tiếc nuối của bà Thủy cũng là nỗi niềm chung của nhiều người khi hết tuổi lao động, sức khỏe giảm sút nhưng vì nhiều lý do mà không có nguồn thu nhập ổn định, trong đó có lương hưu.
Cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, ngày 29/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng từ 12,5% đến 20,8% cho người hưởng. Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm. Cụ thể, người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8; các quy định của Nghị định được thực hiện từ ngày 1/7.
Những thay đổi này cũng tạo thêm sức hút cho BHXH tự nguyện và để người lao động có động lực tham gia.
Song song đó, người lao động đang tham gia BHXH cần phải cân nhắc kỹ khi rút BHXH một lần nhằm giải quyết khó khăn trước mắt về tài chính khi thôi hoặc mất việc làm. Bộ LĐTBXH đã đưa ra 2 phương án và đang trình Chính phủ, Quốc hội về rút BHXH một lần. Trong đó, phương án 2 được đánh giá cao khi cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.
Câu tục ngữ “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nhắc nhở chúng ta về cách sống, cách ứng xử sao cho phù hợp, khôn khéo với hoàn cảnh của chính mình. Để ăn no, mặc ấm mà không phải lo nghĩ ngày mai mình sẽ trở nên thiếu thốn, thì ngay từ hôm nay, chúng ta nên tập lối sống tiết kiệm. Với việc tham gia BHXH ngay từ khi còn trẻ, khỏe, còn có sức lao động và đừng vội vàng rời khỏi lưới an sinh này vì chút lợi hay khó khăn trước mắt cũng là như vậy!
TIỂU CƯỜNG