Bước ra khỏi phòng siêu âm, chị Hiền âu sầu nhìn về phía chồng. Dù bác sĩ không hề công bố giới tính của thai nhi, nhưng với kinh nghiệm của bà mẹ 3 con, khi nhìn vào hình ảnh siêu âm màu 3 chiều, chị vẫn có thể suy đoán sắp hạ sinh một nàng “công chúa” thứ tư, dù chồng và gia đình chỉ mong có được thằng cu...
Cố đẻ cho được thằng cu “nối dõi tông đường” hiện vẫn diễn ra ở nhiều gia đình kể cả thành thị lẫn nông thôn, dẫn tới hành vi lựa chọn giới tính thai nhi vẫn xảy ra và hệ lụy là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta ngày càng gia tăng.
Theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào. Đáng lưu ý, mức độ mất cân bằng cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn và điều kiện kinh tế khá giả.
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra của một thời kỳ, thường là 1 năm lịch. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục Dân số, đầu những năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có dấu hiệu mất cân bằng và ngày càng thể hiện rõ rệt hơn ở giữa những năm 2000 và trở lên mất cân bằng nghiêm trọng. Đến năm 2006, mất cân bằng giới tính trở nên rõ rệt với 109 bé trai/100 bé gái. Cho đến nay, tỷ số này ở nước ta đã lên đến 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Đáng báo động là tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh diễn ra tại 6/6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ.
Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay vẫn tiếp diễn thì đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu đàn ông và đến năm 2050 con số này sẽ là từ 2,3-4,3 triệu. Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta và dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi, quốc gia dân tộc.
Điều đáng nói là, tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta đã được báo động từ nhiều năm trước, vậy nhưng, vẫn không được cải thiện mà ngày càng nặng nề hơn, dù chính quyền đã tìm nhiều giải pháp ngăn chặn.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, trong đó đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Để làm được điều đó, nghị quyết cũng chỉ rõ phải tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới.
Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế; có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lạm dụng khoa học - công nghệ trong chẩn đoán giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính trước khi sinh.
Trước đó, Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 đã nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và đã cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa thực sự khả quan, buộc các cấp, các ngành phải có giải pháp khả thi hơn để cải thiện tình hình, ngăn chặn sớm nhất tình trạng mất cân bằng giới tính đang ngày càng nghiêm trọng.
Dự thảo Luật Dân số đang được xúc tiến hoàn thiện chính là một trong những giải pháp được kỳ vọng cao. Các chuyên gia về lĩnh vực dân số thế giới cũng khuyến nghị, ngoài việc thúc đẩy hoàn chỉnh, ban hành Luật Dân số, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam cần ưu tiên các chính sách chống chuộng con trai; xử lý hậu quả lâu dài của lựa chọn giới tính. Bên cạnh đó, tăng cường bảo hiểm xã hội để chống chuộng con trai thông qua tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội cho nhóm người cao tuổi, tránh tâm lý nương tựa vào con trai khi về già. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tăng ngân sách phòng, chống lựa chọn giới tính khi sinh.
Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái. Đây là mục tiêu khó đạt được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chung tay các hội, đoàn thể cũng như toàn cộng đồng để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước đưa về mức cân bằng tự nhiên, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
HẠ VY