Cùng với 5 vùng sầu riêng vừa được cấp mã số vùng trồng, tính đến tháng 4/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 21 vùng trồng được cấp mã số. Đó là các sản phẩm sầu riêng, bưởi da xanh, chuối, xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Nhật Bản với sản lượng ước gần 13.000 tấn.
Đây là những sản phẩm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép nhật ký canh tác để có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dịch hại…
Việc có thêm sản phẩm được cấp mã số vùng trồng là tín hiệu tích cực cho trái cây Bà Rịa-Vũng Tàu khi đang từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu nhờ nỗ lực của cơ quan chức năng, nông dân, HTX, DN… trong thời gian qua. Theo đó, giá trị của sản phẩm cây ăn trái cũng tăng cao khi có thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt là hướng tới xuất khẩu. Đây cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mã số vùng trồng cũng được xem như là tấm vé thông hành cho nông sản ngày càng vươn xa ra thị trường thế giới.
Thế nhưng, điều quan trọng hơn để các vùng trồng được cấp mã số thực sự phát triển bền vững, hiệu quả là cần có sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan trong việc duy trì, nâng chất lượng. Câu chuyện mới đây Bộ NN-PTNT đã thu hồi 710 mã số vùng trồng là một ví dụ. Đã có tình trạng vùng trồng sau khi được cấp mã số không bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật. Một số nơi còn cho mượn mã số vùng trồng và chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát mã số đã cấp.
Việc không tuân thủ nghiêm các quy định về mã số vùng trồng đặt ra nhiều thách thức, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng nông sản. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước nhập khẩu liên tục nâng cao rào cản kỹ thuật, kiểm tra khắt khe quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Dù Bà Rịa – Vũng Tàu chưa xảy ra tình trạng trên, nhưng đây cũng là bài học để cơ quan chức năng ngoài tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng trồng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng, kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa các trường hợp vi phạm để bảo vệ uy tín, thương hiệu nông sản địa phương.
Thời gian tới, các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội cho nhiều loại trái cây vươn xa ra thị trường thế giới. Để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Việc làm này không chỉ tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức canh tác của nông dân. Đó là sản xuất theo hướng an toàn, chuyên nghiệp, minh bạch và có trách nhiệm.
LAM GIANG