Chinh phục sân nhà

Thứ Tư, 24/05/2023, 19:10 [GMT+7]
In bài này
.

Lạm phát tăng cao, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng và chưa biết đến khi nào kết thúc, người dân toàn cầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm. Thị trường xuất khẩu của DN bị thu hẹp khi đơn hàng giảm.

Giảm nhiều nhất phải kể đến các ngành như dệt may, thủy sản, thép, đồ gỗ… Báo cáo từ Sở Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,241 tỷ USD, giảm 15,47% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo tình hình trong các tháng tiếp theo cũng không mấy khả quan hơn khi nhiều DN đã cạn kiệt đơn hàng.

Xuất khẩu gặp trở ngại, DN xuất khẩu hàng tiêu dùng đang tính đến giải pháp chinh phục sân nhà, đó là thị trường trong nước với 100 triệu dân. Theo các chuyên gia, đây là thị trường năng động đang lớn mạnh với 60% dân số dưới 30 tuổi, đặc biệt đang “còn nhiều chỗ trống”.

Điều này cũng được minh chứng từ giai đoạn COVID-19 vừa qua, khi thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, đứt gãy, một số DN ngành may mặc đã thành công trong việc quay về chinh phục khách hàng trong nước. Giám đốc một DN ngành may cho hay, khi đơn hàng xuất khẩu tại thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm 60%, công ty buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trước đây, tỷ lệ sản phẩm quần áo của công ty tiêu thụ trong nước chỉ 20% thì nay đã tăng lên gần 40%.

Việc triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng cho thấy, người Việt ngày càng tin dùng hàng được sản xuất trong nước. Khảo sát cho thấy, 90% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Công ty tư vấn quản trị Mckinsey cũng cho biết, dự kiến tới năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 37 triệu người vào tầng lớp tiêu dùng, giúp tăng tầng lớp tiêu dùng lên gần 74% so với mức 40% năm 2020.

Như vậy, tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn nếu DN nắm được thị hiếu tiêu dùng, có kênh quảng bá hiệu quả và chiến lược kinh doanh bài bản. Nhu cầu của người dân trong nước ngày càng cao không chỉ về chất lượng mà còn về bao bì, mẫu mã sản phẩm, nhất là xuất xứ hàng hóa. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm rõ ràng nguồn gốc, chất lượng tốt.

Tuy nhiên, phát triển thị trường nội địa không chỉ có cơ hội mà còn phải đối mặt với không ít thách thức. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã khiến cho DN gặp khó trên sân nhà khi phải cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập cùng loại giá rẻ.

Do đó, để DN có thể cạnh tranh và đứng vững, ngành chức năng cần hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, xúc tiến thương mại, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nhằm thu hút sự quan tâm và tin tưởng của người tiêu dùng trong nước, DN phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Thậm chí, ngay cả bao bì đóng gói cũng phải phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt.

NGÔ GIA

;
.