Không để thiếu điện!

Thứ Năm, 25/05/2023, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Trước nguy cơ thiếu điện trên cả nước, Bộ Công thương vừa tổ chức hội nghị phát động tiết kiệm điện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An lý giải, thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức cao. Tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điều đó ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện.

Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do điều kiện gió kém nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy. Trong khi đó, từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt, trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện dân dụng.

Tình trạng trên cùng việc một số nhà máy điện gặp sự cố, thiếu nhiên liệu làm cho công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện nhiều thời điểm thấp hơn nhu cầu điện. Thậm chí, hệ thống điện không còn dự phòng. Để bảo đảm cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu và mua điện từ Lào, Trung Quốc.

Nhiều năm qua, nước ta luôn phải đối mặt nguy cơ thiếu điện khi bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, năm nay tình hình căng thẳng hơn, khi nhiều yếu tố bất lợi cho hoạt động cung cấp điện xuất hiện cùng lúc. Tình trạng thiếu điện có thể càng nghiêm trọng hơn, nếu các hoạt động sản xuất, kinh doanh không gặp khó khăn, nhiều DN không phải thu hẹp quy mô sản xuất do giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng từ cuối năm 2022 đến nay.

Với diễn biến bất thường của thời tiết năm nay, cùng với hiện tượng El Nino còn tiếp diễn, dự báo nguy cơ thiếu điện tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Do vậy, cùng với nỗ lực của ngành điện trong việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng sản xuất, cung ứng điện, khách hàng - người tiêu dùng cần nêu cao ý thức tiết kiệm điện. Mỗi người dân, DN đều có thể chung tay tiết kiệm điện bằng cách sử dụng thiết bị điện hiệu quả, hợp lý như: tắt thiết bị điện không cần thiết; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên; điều chỉnh nhiệt độ điều hòa không khí ở mức hợp lý; giảm bớt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng; tắt đèn quảng cáo; chuyển đổi, thay thế công nghệ sản xuất, thiết bị điện lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng bằng công nghệ, thiết bị mới, tiêu thụ ít điện, năng lượng...

Thế nhưng, tiết kiệm điện chỉ là giải pháp tình thế và mang tính vận động là chính. Nó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi cá nhân, DN, bởi sử dụng điện phục vụ đời sống và sản xuất là nhu cầu chính đáng.

Việc cần làm trước mắt, Bộ Công thương và EVN phải nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) để sớm hòa nguồn điện này vào lưới điện quốc gia, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của các DN và còn góp phần giảm bớt áp lực về nguồn cung cho ngành điện. Về lâu dài, Bộ Công thương và EVN cần có quy hoạch, kế hoạch hợp lý để phát triển các nguồn sản xuất điện, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, không để lâm vào tình trạng “đến hẹn lại thiếu điện” như những năm qua.

Việc thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi nguồn cung năng lượng ổn định là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi DN xem xét địa điểm đầu tư!

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.