Không dễ là người tiêu dùng thông thái
Xóm tôi ở, mấy ngày liền chộn rộn hẳn khi không chỉ một mà nhiều gia đình, các thành viên phải đến bệnh viện để làm xét nghiệm ký sinh trùng và điều trị dài ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Đó có lẽ là hậu quả của việc trong thời gian gần đây, cả xóm cùng học theo nhau trồng rau “sạch” ở vỉa hè và những khoảnh đất trống xen kẹt trong khu dân cư để cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, không ai để ý rằng, nhiều gia đình trong xóm vẫn nuôi chó, mèo thả rông. Những khoảnh vườn trồng rau “sạch” ấy vô tình trở thành chỗ chơi đùa của thú cưng.
Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm thực phẩm sạch và an toàn, cho dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền qua nhiều kênh truyền thông khác nhau. Vậy nên, câu chuyện cả xóm cùng nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi do trồng rau “sạch” và an tâm ăn sống khi cho rằng rất an toàn đang diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn tin tưởng, lùng mua những thực phẩm gắn mác “nhà làm” từ thức uống cho đến đồ ăn đủ loại, mà ít quan tâm đến tiêu chuẩn của sản phẩm “nhà làm” đó đã đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
Các bà nội trợ “có thâm niên” cũng thường xuyên “mắc lỗi” khi lùng mua các loại rau, củ, quả, thực phẩm được nuôi, trồng nhỏ lẻ, vì tin tưởng người bán không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu. Trong khi đó, có thể người trồng sử dụng phân bón hữu cơ, nhưng chưa đủ hoai để tiêu diệt hết ký sinh trùng. Những ký sinh trùng này nhiễm vào rau, củ, quả, mà khi ăn sống hoặc chưa đủ độ sôi trong quá trình chế biến sẽ ảnh hưởng đến người sử dụng. Mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng đôi khi còn nghiêm trọng hơn cả việc các loại rau, củ, quả, thực phẩm có sử dụng chất hóa học, phân bón vô cơ, nhưng đúng cách, đủ thời gian để các loại này hoai đi, không còn tồn dư trên thực phẩm.
Tương tự, các sản phẩm “nhà làm” khác cũng dễ rơi vào tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi người sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng chật hẹp, thô sơ, không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Theo các chuyên gia, đa số các cơ sở sản xuất quy mô lớn hoặc các DN đều có ý thức gìn giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nên việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm được tuân thủ. Đáng lo nhất hiện nay là thực phẩm chế biến ở quy mô sản xuất hộ gia đình, người dân tự chế biến để bán khắp cả nước thông qua mạng xã hội. Người chế biến sản phẩm không được tập huấn về kiến thức, nơi chế biến khó bảo đảm những quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho thấy, lỗi vi phạm chủ yếu vẫn được ghi nhận tại các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ quy mô gia đình. Trong khi lực lượng quản lý còn mỏng, nhưng số lượng cơ sở nhỏ lẻ lại quá nhiều, do vậy, phần đông chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan địa phương.
Đến thời điểm này, tuy pháp luật không cấm người dân chế biến, sản xuất thực phẩm để tự tiêu dùng hoặc kinh doanh thương mại, nhưng hộ gia đình hoạt động kinh doanh thương mại dưới bất cứ hình thức nào cũng phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tháng cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để phổ cập kiến thức về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thông minh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
HẠ VY