COVID-19 còn là nỗi lo
Gần 80 tuổi, mắc nhiều bệnh nền, nên khi COVID-19 bùng phát trước đây, ông Nam vội vã tiêm ngừa đầy đủ, thậm chí còn hối con cháu trong nhà đăng ký sớm ngay khi có thông báo của ngành y tế địa phương. Có lẽ nhờ vậy mà ông Nam đã không phải tốn một viên thuốc nào để điều trị COVID-19 trong suốt hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, một phần vì lẽ đó mà ông dần chủ quan, khi cho rằng, COVID-19 hiện đã không khác gì bệnh cảm cúm, nhiễm sơ rồi cũng khỏi và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ông không còn sốt sắng đăng ký khi được nhắc đi tiêm chủng vắc xin như trước nữa.
Thế rồi, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, cả gia đình ông gồm 8 người, từ trẻ con đến người già đều mắc COVID-19 sau chuyến du lịch dài ngày. Cả nhà đều lần lượt khỏi bệnh, riêng mình ông phải nhập viện trong tình trạng các dấu hiệu bệnh trở nặng, ông sốt cao liên tục, khó thở và có nguy cơ suy thận... Ông được chỉ định thở máy, điều trị tích cực và dần phục hồi. Lúc này ông Nam mới cảm thấy ân hận vì đã không tiếp tục tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 khi được nhắc từ chính quyền địa phương.
Trên thực tế, trong vài tháng trở lại đây, tình hình COVID-19 đã có dấu hiệu gia tăng trở lại, thậm chí đã ghi nhận ca trở nặng, tử vong. Vậy nhưng, nhiều người dân chủ quan, vẫn từ chối tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi cho rằng, bệnh đã trở thành "bình thường như cảm cúm". Trong khi, hiện nay vắc xin phòng COVID-19 vẫn được tiêm hoàn toàn miễn phí và vẫn được coi là giải pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao, người mắc bệnh nền.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ghi nhận của ngành y tế cho thấy, trong 14 ngày qua (từ 25/4 đến 8/5) toàn tỉnh có 470 ca mắc, trung bình 34 ca/ngày. Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 729 ca mắc (trong đó: 693 ca mắc mới; 36 ca tái nhiễm), 1 ca tử vong.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo việc sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng theo hướng dẫn của ngành y tế; Khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Chỉ đạo của UBND tỉnh nhấn mạnh về việc tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền, truyền thông, vận động sâu rộng, đa dạng các hình thức và phù hợp cho toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”; trong đó, đặc biệt coi trọng việc tiêm vắc xin và ý thức người dân.
Trong những ngày qua, các địa phương đang rốt ráo triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân và CBCCVC, người lao động, HSSV trên địa bàn. Ở các khu phố/ấp, tổ dân cư, lịch tiêm được công bố rộng rãi đến từng hộ gia đình, việc đăng ký tiêm chủng cũng đơn giản, dễ dàng ngay tại cơ sở y tế địa phương hoặc các điểm tiêm lưu động được thông báo trước.
Theo chuyên gia y tế, dịch COVID-19 gia tăng do đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron của vi rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới, chiếm ưu thế và có đặc tính lây lan nhanh. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng. Vì vậy, giải pháp tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tuân thủ việc đeo khẩu trang, khử khuẩn vẫn được ưu tiên hàng đầu và phát huy hiệu quả cao.
Mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ chính mình, không chủ quan. Bởi việc áp dụng "2K" cùng với tiêm vắc xin không phải là quá khó và chỉ có lợi mà thôi. Quan trọng vẫn là ý thức, nhận thức của mỗi người để tạo hành vi đúng để bảo vệ chính mình và người thân, cộng đồng.
TIỂU CƯỜNG