Lãi suất 10% vẫn là quá khó với doanh nghiệp
Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, từ đầu năm đến nay lãi suất điều hành đã có hai đợt điều chỉnh giảm. Đây là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, mở ra hy vọng cho DN có thể tiếp cận nguồn vốn.
Khảo sát trên thị trường ngân hàng cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm mạnh so với cách đây một tháng. Ngay đầu tuần nay, cả nhóm ngân hàng quốc doanh và tư nhân tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,6%/năm so với đầu tháng 5.
Hiện nay, mức lãi suất huy động ở nhóm quốc doanh từ 5,1-7,2% tuỳ theo kỳ hạn và hình thức gửi. Ở nhóm ngân hàng tư nhân, cao nhất cũng chỉ ở mức 8,5%. Như vậy, nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái - khi lãi suất lên tới 12%/năm, lãi suất đã giảm rất mạnh.
Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động là điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay. Thống kế từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến đầu tháng 4, đã có hơn 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân với khoảng 0,4% năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói vay ưu đãi để hỗ trợ người dân và DN.
Thực tế cho thấy, khi lãi suất tiết kiệm thấp, dòng tiền sẽ được đẩy nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh. Người dân thay vì gửi tiết kiệm có thể nghĩ tới các phương án đầu tư khác. DN dễ dàng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, dù lãi suất huy động đã giảm trên diện rộng nhưng lãi suất cho vay lại chưa giảm sâu.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho DN sản xuất dao động 10% - 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11% - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm. Các DN cho rằng, với mức lãi suất cho vay như vậy là quá cao bởi trong bối cảnh hiện nay nhiều DN đang phải đối mặt với khó khăn khi đơn hàng liên tục giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.
Chủ một DN sản xuất hàng tiêu dùng trên địa bàn TX.Phú Mỹ chia sẻ, với lãi suất cho vay trên 10% năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã áp lực rất lớn, chứ chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho thấy, những tháng đầu năm 2023, bức tranh DN đang thể hiện những điểm không mấy tích cực. Nhiều DN đang gặp khó khăn, trong đó phải kể đến đầu tiên là dòng tiền. Một số DN đã phải bán gần hết tài sản. Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay thì DN mới có thêm cơ hội phục hồi.
HÀ AN