Du lịch và cao tốc
Du lịch và cao tốc có vẻ như chẳng liên quan gì với nhau? Vậy mà hai khái niệm này lại có quan hệ mật thiết đến lạ. Một cuộc trải nghiệm đã cho câu trả lời thật thú vị.
Bên bàn cà phê sáng trước kỳ nghỉ lễ 30/4, anh bạn từng làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh bình luận, nhân sự kiện đoạn cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết chuẩn bị đưa vào hoạt động (29/4): Từ nay nếu đi Phan Thiết ta cứ ngược lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây mà bon bon trên đường dài vừa nhanh, vừa khỏe. Một người khác cho rằng đi như vậy là lòng vòng, xa hơn. Cuộc tranh luận chỉ kết thúc khi giám đốc một công ty truyền thông đề nghị mời cả nhóm trải nghiệm thực tế cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết sau lễ.
Đúng hẹn, sáng thứ Bảy đầu sau kỳ nghỉ lễ, giám đốc công ty truyền thông cho xe đón cả hội cà phê sáng đi trải nghiệm cao tốc. 8 giờ đúng, đoàn khởi hành từ Vũng Tàu, đến nút giao cao tốc Long Thành mới 9 giờ 10 phút, đến nút giao Dầu Giây lúc 10 giờ 20 phút. Khi đến ngoại ô Phan Thiết, cao tốc tạm bị rào chắn do điểm kết với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa hoàn thành, chúng tôi rẽ phải hơn 1 km thì tới Quốc lộ 1A, đi thêm 15 km là tới trung tâm Phan Thiết. Lúc này, kim đồng hồ chỉ đúng 10 giờ 45 phút. Như vậy, tổng thời gian cho hành trình Vũng Tàu - Phan Thiết bằng cao tốc mất 2 giờ 45 phút.
Lượt về, nhóm theo tuyến ven biển Phan Thiết - La Gi - Hồ Tràm - Long Hải - Vũng Tàu, khởi hành lúc 14 giờ 25 phút thì 17 giờ 55 phút tới Vũng Tàu. Thời gian di chuyển 3 giờ 30 phút, chậm 45 phút so với đi cao tốc.
Sau chuyến trải nghiệm cao tốc, có thể cảm nhận: Cao tốc đường bộ là sự lựa chọn chuẩn, “chìa khóa vàng” kích hoạt các vùng kinh tế lớn, thúc đẩy du lịch phát triển. Cao tốc và du lịch quan hệ với nhau rất mật thiết. Đường sá mở tới đâu, du khách - thuận đường di chuyển nhanh - nườm nượp tới đó. Du lịch mở hội, đời sống kinh tế - xã hội phát triển theo, ánh sáng văn hóa ùa tới. Để tăng tốc đầu tư cao tốc, rất cần có cơ chế riêng. Thúc đẩy cao tốc chỉ huy động nguồn vốn ngân sách là chưa đủ, cần có chế huy động nguồn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, mỗi bên chỉ có 2 làn xe - vài ba năm nữa sẽ là quá tải. Trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, các cầu vượt bộ chưa hoàn chỉnh, thiếu đường ra, thời điểm này chỉ mới khai thác 3/7 nút giao, chưa có trạm dừng chân; sóng điện thoại trên cao tốc chập chờn.
Có cao tốc, tuyến đường đẹp ven biển Vũng Tàu - Cửa Lấp - Long Hải - Hồ Tràm - La Gi - Phan Thiết trở nên “chật chội”, khoảng cách ngắn hơn mà thời gian di chuyển lâu hơn khi xe chạy trên cao tốc. Đã đến lúc cần mở rộng đường và nâng cấp chất lượng mặt đường tuyến đường ven biển nối Bình Thuận với Bà Rịa - Vũng Tàu. Có vậy mới rút ngắn thời gian di chuyển thì liên kết du lịch và liên kết vùng kinh tế mới thuận lợi, mới có thể tăng tốc. Cùng với mạng lưới cao tốc, đòi hỏi hệ thống tuyến đường vành đai kết nối đồng bộ, cần được đầu tư sớm.
QUỐC TOÀN