Thuốc lá điện tử (TLĐT) đang trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ và có xu hướng lan rộng trong học sinh, sinh viên. Số liệu khảo sát cho thấy: Năm 2015, tỷ lệ sử dụng TLĐT của nước ta chỉ mới ở mức 0,2%, đến nay đã lên tới 2,6%, tỷ lệ sử dụng thường xuyên là 0,8%. Trong đó, học sinh độ tuổi từ 13-17 hút TLĐT tăng nhanh, với hơn 2%, riêng học sinh ở thành thị, tỷ lệ này là 3,4%.
Gõ từ khóa “thuốc lá điện tử” trên Google, chỉ sau 0,38 giây cho ra 67,4 triệu kết quả. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã xuất hiện nhiều shop mua bán TLĐT, như: Vape 24h, Vape shop...
Bộ Y tế đã đề nghị cấm TLĐT, thuốc lá nung nóng (TLNN), shisha, nhưng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này vẫn được rao bán công khai trên mạng. Cùng sự mới lạ của TLĐT là những lời quảng cáo hấp dẫn đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện “cái tôi” của tuổi mới lớn, như: TLĐT không gây nghiện, không độc hại, có nhiều hương vị (cocacola, nho bưởi, nho vải, đào ổi, bạc hà, dâu, chanh) và hình dáng bắt mắt (giống điếu thuốc lá truyền thống, tẩu thuốc, thỏi son, chiếc bút máy, hộp quẹt…) với giá cả phù hợp cho mọi đối tượng.
Cho tới nay, nhiều người vẫn lầm tưởng TLĐT là vô hại. Tuy nhiên, số liệu mà các thông số đo được từ khói TLĐT cho thấy, giống như thuốc lá thông thường, TLĐT cũng chứa nicotine và nhiều tiền chất gây nghiện khác. Nicotine và các loại hương liệu trong tinh dầu TLĐT đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và làm tăng nguy cơ ung thư phổi, ung thư thanh quản đối với người nghiện.
Trong đó, điều nguy hại nhất là do sử dụng tinh dầu hương liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nên nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để pha trộn các tinh chất ma túy vào TLĐT. Thực tế điều đó đã xảy ra cách đây không lâu, một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, co giật. Các bác sĩ của bệnh viện xác định học sinh này bị ngộ độc chất gây nghiện có trong TLĐT. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng đã điều trị cho một thanh niên 20 tuổi sau thời gian sử dụng TLĐT và bị rơi vào tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương đa cơ quan…
Thủ đoạn dùng ma túy “núp bóng” TLĐT của những kẻ buôn bán hám lợi rất tinh vi. Ban đầu, có thể chúng cho người sử dụng dùng thử bằng cách âm thầm pha tinh chất ma túy vào tinh dầu hương liệu TLĐT để người mua sử dụng. Từ đó, tạo thành thói quen, lệ thuộc vào ma túy. Và, khi đã “vào tròng” chúng mới khống chế, nâng giá với con nghiện.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng xu hướng, thị hiếu của người sử dụng TLĐT, nhất là giới trẻ, để pha trộn tiền chất ma túy vào tinh dầu TLĐT bán cho khách hàng. Tại nhiều địa phương, cơ quan công an đã khám phá nhiều vụ việc các đối tượng kinh doanh chủ động mua tinh chất ma túy để “tẩm” vào TLĐT bán cho khách hàng. Đây là hành vi nguy hại, gây ra nhiều hiểm họa cho xã hội, cần được ngăn chặn kịp thời.
Ma túy “núp bóng” TLĐT gây ra nhiều hệ lụy và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn đối với gia đình và xã hội. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để từng bước hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với người sử dụng, nhất là TLĐT đối với lớp trẻ.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành công văn về việc tăng cường truyền thông về tác hại của TLĐT, TLNN, shisha. UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố: Tăng cường phổ biến thông tin về tác hại của TLĐT, TLNN, shisha tới công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn; Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại cơ quan, công sở và cơ sở giáo dục - đào tạo; Tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng TLĐT, TLNN, shisha trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, UNBD tỉnh giao Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, kinh doanh sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha, vì các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.
HOÀNG LÊ