Cả tuần nay, Vũ phải nhập viện điều trị khiến mọi sinh hoạt trong gia đình xáo trộn. Vợ anh phải nghỉ làm, chạy đôn chạy đáo lo chợ búa, cơm nước, chăm sóc 2 con nhỏ để kịp giờ vào bệnh viện chăm nuôi chồng. Vũ mới ngoài 40 tuổi, nhưng chỉ nặng tròm trèm 40kg sau thời gian ngắn bị viêm phổi nặng do di chứng của nhiều năm liền hút thuốc lá.
Vũ kể, anh làm quen với thuốc lá khi còn rất nhỏ, do gia đình có trồng cây thuốc lá, thuốc lào. Ở vùng quê Vũ, nhà nào cũng có một vài cây điếu cày. Và chuyện trẻ nhỏ lén học đòi rít thuốc như người lớn không phải là hiếm. Lớn hơn chút nữa, khi vào đại học, Vũ đã trở nên “nghiện” khi mỗi ngày phải hút vài bao thuốc lá mới “đã ghiền”. Cứ như vậy, khi trưởng thành, Vũ lại thường xuyên làm việc ở công trường, xa gia đình, hút thuốc là cái cớ cho mọi nỗi buồn, vui. Ở thời điểm đó, anh đã cảm nhận mình có vấn đề về sức khỏe khi khó thở, đêm ngủ thường hay ho và kéo đàm về sáng, nhưng vẫn không thể bỏ thuốc lá theo lời khuyên của bác sĩ.
Vài năm trở lại đây, anh có triệu chứng thường xuyên viêm phổi, thậm chí ho ra máu, sút cân nhanh và nghiêm trọng. Khi thăm khám, xét nghiệm, hình ảnh 2 lá phổi của anh đen kịt, tổn thương lan rộng. Đó chính là hậu quả sau gần 30 năm hút thuốc lá. Sức khỏe giảm sút, buộc Vũ phải nhập viện điều trị thường xuyên, nhưng mức độ hồi phục chậm và theo cảnh báo của bác sĩ, những di chứng tổn thương từ hút thuốc lá sẽ còn theo anh suốt đời.
Vâng, hầu hết mọi người, ngay cả Vũ cũng đều biết về tác hại của thuốc lá, vậy nhưng, rất nhiều người vẫn bất chấp mà hút mỗi ngày. Có người còn “tái nghiện” trở lại sau nhiều ngày, nhiều lần “cai” thuốc lá.
Và, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện vẫn đang được mạnh mẽ triển khai trên toàn cầu, trong đó có nước ta. Bởi, mỗi năm, trên toàn cầu, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 8 triệu người tử vong. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi HS 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế, Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm nước có mức độ tiêu thụ thuốc lá cao và tỷ lệ người hút thuốc có thể sẽ gia tăng khi các loại hình mới của thuốc lá ngày càng đa dạng, hấp dẫn người trẻ. Những sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa… được bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội nên rất khó kiểm soát. Và ít nhất 40.000 người trên cả nước đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng mỗi năm.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Song song đó, triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 vừa được Chính phủ ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành vào ngày 24/5/2023. Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.
Trước mắt, mỗi người hãy vì sức khỏe của chính mình và người thân, nói không với thuốc lá!
TIỂU CƯỜNG