Ngày hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023 đã khép lại cách đây hơn một tuần. Theo thống kê từ Ban tổ chức, 45/63 tỉnh/thành và 54 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hãng hàng không… đã tham gia quảng bá, bán dịch vụ tại Ngày hội.
Ngày hội thu hút hơn 190.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu ước đạt 105 tỷ đồng. Các công ty lữ hành thương hiệu như: Vietravel, Lữ hành Sai-gontourist, Du lịch Việt, Vietluxtour… có doanh số bán tour rất tốt, kết quả ngoài mong đợi.
Thế nhưng, một trong những thông tin gây chú ý cho nhiều người là nhóm tour bán chạy nhất lại là tour nước ngoài, tập trung vào các quốc gia quá quen thuộc nhưng vẫn “hot” gồm: Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, tour Thái Lan có sức hút mạnh nhất. Du khách cũng tìm hiểu nhóm tour du lịch trong nước như Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn nhưng lượng giao dịch không bằng tour nước ngoài.
Săn tour ưu đãi tại Ngày hội, chị Hoài Phương (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, chị muốn đi Phú Quốc hoặc Côn Đảo trong tháng 5, nhưng giá tour trọn gói gần 11 triệu đồng với thời gian 4 ngày 3 đêm. Trong khi tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm chỉ gần 8 triệu đồng. Tour Singapore 3 ngày 2 đêm gần 9 triệu đồng, nếu mua tour Singa-pore thứ hai còn được nhận thêm quà tặng… “Cùng một giá tiền mà được xuất ngoại thì tôi sẽ cân nhắc đi nước ngoài. Còn Phú Quốc và Côn Đảo sẽ chờ săn vé máy bay khuyến mại đi vào mùa thấp điểm, tránh cảnh chen chúc, hét giá”, chị Hoài Phương nói.
Thật ra, nghịch lý giá tour nước ngoài rẻ hơn tour nội địa đã tồn tại từ rất lâu. Thế nhưng, hậu dịch COVID-19, chênh lệnh giá tour ngoại - nội càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các quốc gia đều tập trung kích cầu du lịch, vực dậy nền kinh tế nên có chính sách trợ giá rất tốt, đặc biệt là hàng không.
Trong khi đó, tour trong nước bằng đường hàng không, nhất là vào dịp lễ, Tết, mùa hè đều cao ngất ngưởng, cao hơn giá vé của nhiều chặng bay nước ngoài. Dịp lễ gần nhất là 30/4 và 1/5 (kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày), giá vé máy bay khứ hồi một số chặng từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tới các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như: Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo dao động từ 2,5-5,5 triệu cả thuế phí, có chặng cao điểm lên tới hơn 7 triệu đồng/khứ hồi.
Chưa kể, ở hầu hết điểm đến trong nước, giá phòng, dịch vụ, vé tham quan, vận chuyển, ăn uống vào những kỳ nghỉ dài ngày, cuối tuần, mùa hè cũng cao hơn ngày thường. Dịch vụ nào cũng tăng giá khiến các công ty du lịch rất khó tổ chức tour và ổn định giá tour.
Trong khi ở các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore, ngành du lịch nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nhà cung cấp dịch vụ lẫn chính phủ để tạo nên chính sách giá hợp lý. Đặc biệt, các hãng hàng không của các nước này rất tích cực trong việc liên kết với đối tác nước ngoài để quảng bá du lịch.
Việt Nam đang nỗ lực nhiều giải pháp phục hồi du lịch hậu dịch, bao gồm tăng quảng bá hình ảnh, cải cách visa thu hút khách quốc tế. Thế nhưng, với tour nội địa và khách nội - đòn bẩy chính cứu du lịch Việt Nam trong năm 2022 và ít nhất là năm 2023 khi khách quốc tế đến chưa nhiều - cần phải có chính sách đủ hấp dẫn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cụ thể, cần tăng cường liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, từ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển và các hãng lữ hành để có giá tour tốt nhất. Khi khách đông, các bên cùng được hưởng lợi, chứ không nên chụp giật. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cần làm việc với các hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ để thực hiện chính sách không tăng giá trong dịp lễ, tết nhằm ổn định giá tour. Khi liên kết tốt giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.
Đất nước Việt Nam tươi đẹp. Người Việt ai cũng muốn khám phá dọc dài dải đất hình chữ S để càng thêm tự hào về non sông gấm vóc. Những gói combo sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với túi tiền, chắc chắn sẽ thu hút khách Việt.
TRẦN HIỀN