Xây dựng cơ chế liên kết vùng để phát triển bền vững

Thứ Hai, 27/03/2023, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.

Vùng Đông Nam bộ (gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) với diện tích 23,6 ngàn km vuông, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ (ĐNB) nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, như: Công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực...

Trong nhiều năm qua, ĐNB là vùng kinh tế động lực quan trọng, đóng góp khoảng 33% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 36% tổng thu ngân sách  nhà nước và gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp; là khu vực chủ lực về xuất khẩu hàng công nghiệp, điện tử và sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Mặc dù vậy, đến nay, ĐNB vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistics, hay các cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức. Đặc biệt, ĐNB đang thiếu hẳn một tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xuống cảng nước sâu Cái Mép -Thị Vải của tỉnh BR-VT.

Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2030, vùng ĐNB có 970 km đường cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác thực tế hơn 10%. Mặt khác, rất nhiều tuyến đường huyết mạch trong vùng (như quốc lộ 51) đang bị quá tải và xuống cấp, là lực cản tăng trưởng rất lớn của toàn khu vực.

Là vùng có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn, nhưng gần đây tốc độ phát triển của vùng ĐNB đang có dấu hiệu chững lại, vai trò dẫn dắt tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình và các vùng khác và tồn tại nhiều điểm nghẽn, như: Hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ; thiếu lao động có kỹ năng và trình độ cao; thiếu sự liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ do cơ chế pháp lý chưa cụ thể, quản lý theo địa giới hành chính gây chia cắt chuỗi cung ứng.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐNB, lãnh đạo các địa phương đánh giá cao hiệu quả tích cực của chương trình hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐNB. Việc liên kết, kết nối giữa các địa phương đã mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát huy được thế mạnh của từng địa phương.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; qua đó khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thúc đẩy ĐNB phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cần khẩn trương xây dựng cơ chế liên kết vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển chung của toàn vùng nói chung và của từng địa phương nói riêng.

Theo đó, trong quá trình liên kết phát triển, các địa phương và các doanh nghiệp phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng. Việc hợp tác phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực, như: Liên kết phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, phát triển vận tải logistics; phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối hạ tầng thông tin và truyền thông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghiệp và sản phẩm du lịch…

Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của mỗi địa phương cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia nói chung và quy hoạch của vùng ĐNB nói riêng. Tổ chức phân bổ không gian phát triển từng địa phương trên cơ sở phát triển chung của toàn vùng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị kỳ vọng đến năm 2030, ĐNB sẽ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn lực chất lượng cao, chuyển đổi số hàng đầu cả nước. Do đó, xây dựng cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong  quá trình xây dựng phát triển chung để ĐNB phát triển bền vững.

HOÀNG LÊ

;
.