Tháng Ba - Trách nhiệm người trẻ

Thứ Năm, 16/03/2023, 19:58 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng Ba - tháng Thanh niên, tháng của người trẻ “Suy nghĩ và hành động”, càng thấy Trách nhiệm - Quyền lợi - Nghĩa vụ của tuổi trẻ luôn đi liền với nhau. Có bao nhiêu câu chuyện trên mọi miền đất nước về “tuổi trẻ vượt khó”, “tuổi trẻ học tập”, “tuổi trẻ lập nghiệp” tâm huyết, cảm động.

Mới đây, một nhóm gia đình  tri âm, tri kỷ, số đông là người trẻ trở về từ Mỹ, có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão – 2023 ấn tượng tại khu du lịch biển Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Sau hai tháng trải nghiệm, đi gần khắp các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam. Người con trưởng của gia đình David Nguyễn là David Long có một tuyên ngôn bất ngờ: Những người trẻ của gia đình David Long sẽ về Việt Nam vào thời điểm thích hợp, tận hưởng những điều tốt đẹp về thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, lòng bao dung, vị tha nơi quê nhà!

David Long nói tiếp: Ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, trong mọi hoàn cảnh “Có làm  mới có ăn”. Lao động làm ra của cải, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Trách nhiệm của mọi người là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn để cùng nhau hưởng thụ, hưởng những quyền và hạnh phúc trong cuộc sống đó.

Quả là những tổng kết xuất phát từ sự trải nghiệm, không tắm mình trong gian khó lao động trên công trường, một nắng hai sương ngoài đồng ruộng sẽ không bao giờ có những tổng kết cuộc đời chí lý như vậy. Tôi trích dẫn điều này từ một gia đình người Việt nhiều năm sống xa Tổ quốc đúng vào tháng Thanh niên, tháng hành động của tuổi trẻ Việt Nam sống đẹp, thể hiện nghĩa vụ - trách nhiệm cao cả trước cuộc sống  của người trẻ.

Câu chuyện vừa được dẫn, làm ta nhớ đến cuốn sách “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” (Nhà XB Thế giới, 2022) của tiến sĩ Luật học Vương Tấn Việt - Thượng tọa Thích Chân Quang - một công trình nghiên cứu mà ở đó lý luận về cuộc sống nhuần nhuyễn với thực tiễn thật đáng bàn. Trước hết, đó là một cuốn sách có giá trị về luật học - đời sống tâm linh gắn với cuộc sống con người, đời sống xã hội. Đọc các chương sách, kèm những phụ lục nghiên cứu ta sẽ có những cảm nhận, thu hoạch thú vị.

Không ai xa lạ, Thượng tọa Thích Chân Quang hiện đang trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lên chùa tu đạo nhưng ông là người uyên bác trong Phật pháp, am tường sử học, đẳng cấp trong viết sách, tài năng trong âm nhạc, đam mê sáng tạo trong võ thuật.

Tuổi trẻ của Vương Tấn Việt là tu đạo, chăm chỉ học hành, dùi mài kinh sử - sôi mồ hôi, đổ nước mắt. Những cống hiến và sáng tạo của Thượng toạ Thích Chân Quang không bó gọn trong ngôi chùa Phật Quang - núi Dinh mà đã lan tỏa, tác động tích cực đến Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung. Tuổi đã vượt ngưỡng 60, một ngày đẹp trời, ông tới Đại học Luật Hà Nội dự thi nghiên cứu sinh tiến sĩ và đã trúng tuyển đầu vào xuất sắc.

Vài ba năm sau, cũng một ngày đẹp trời, ông bảo vệ thành công, điểm cao gần như tuyệt đối luận án tiến sĩ luật, trước một Hội đồng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ luật danh giá. Thời tuổi trẻ chuyên cần, ham học, tuổi chín chắn càng không rời những trang sách, thật đáng trân trọng Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ luật khi đã ở tuổi xấp xỉ 65. Từ chỗ đắm mình trong Phật pháp ông đã phân thân thành một nhà nghiên cứu xã hội học.

Thông thường tư duy và văn phong của các nhà tu hành đều có sự chi phối của Phật pháp, giáo lý nhà chùa. Tuy nhiên tiến sĩ Vương Tấn Việt khi viết “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” lại có tư duy và lối viết của một nhà xã hội học chuyên nghiệp. Với kỹ năng lập luận, dẫn dắt  khoa học,  logic, lời văn trong sáng giàu hình ảnh, cụ thể mà cô đúc, dễ hiểu đã thuyết phục và truyền được cảm hứng cho người đọc.

Tác giả đã đề cập đến  trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến mỗi con người, mỗi xã hội trên toàn cầu và ở Việt Nam. Quyền con người là đương nhiên và mọi sự tiến bộ cũng vì Quyền con người. Nhưng trước khi nói đến Quyền con người thì hãy nói về Nghĩa vụ con người. Nghĩa vụ con người là nền tảng và nguồn lực để thực hiện Quyền con người. Nếu không thực hiện tốt Nghĩa vụ thì Quyền con người sẽ không thể  thực hiện.

Tiến sĩ Luật học Vương Tấn Việt đánh giá: Loài người với đạo đức và trí tuệ đã xây dựng nên những phương thức cung cấp lợi ích hợp pháp quan trọng khác bao gồm: Nhân tình, Nhân đạo và Nhân nghĩa. Mọi quyền và lợi ích hợp pháp luôn được đặt trong mối tương quan với nghĩa vụ cụ thể, bao gồm nghĩa vụ do pháp luật quy định, nghĩa vụ do luân lý xã hội đòi hỏi hoặc nghĩa vụ do đạo đức nội tại thúc đẩy.

Tháng Ba - Tháng Thanh niên - Ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng đã cận kề. Ngẫm những điều Thượng tọa Thích Chân Quang đã nêu với những dự định mà gia đình Việt kiều, ông David Long tâm tình,  càng thấy trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của những con Lạc cháu Hồng dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, nhất là với người trẻ hôm nay.

Nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền được hưởng cùng đồng hành, quyết sách cho một Việt Nam giàu đẹp và cường thịnh  trong tương lai không xa.

Mọi người, mọi nhà - trước hết là người trẻ càng vô cùng tự hào về dải đất hình chữ S vững chãi trước biển Đông, tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, muôn ngàn lần yêu dấu!

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.