GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phát huy trí tuệ nhân dân

Chủ Nhật, 05/03/2023, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

Việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là kết thúc (15/3).

Luật Đất đai là một trong những đạo luật rất quan trọng, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và toàn bộ người dân. 9 vấn đề trọng tâm đang được cơ quan chức năng khẩn trương lấy ý kiến góp ý, đó là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với các hội thảo, hội nghị, tọa đàm do các địa phương, đơn vị, đoàn thể, hội nghề nghiệp… tổ chức, nhiều người dân cũng đã chọn đóng góp ý kiến theo hình thức văn bản hoặc qua kênh trực tuyến. Ghi nhận cho thấy, những vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm, tập trung góp ý nhiều cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai… Có thể nói, đây là những nội dung liên quan sát sườn đến đời sống người dân, cũng là vấn đề phát sinh nhiều mâu thuẫn, vướng mắc. Quá trình thi hành Luật Đất đai cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế khiến chưa phát huy hết nguồn lực đất đai. Chính vì vậy, việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo luật là vô cùng cần thiết. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng 5/2023).

Thời gian còn lại để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) còn rất ít. Do đó cần nhanh chóng huy động tâm sức, trí tuệ tập thể nhân dân góp ý cho dự thảo luật. Điều này cũng không chỉ nhằm mục đích bảo đảm tiến độ, mà còn để các quy định trong dự thảo Luật thật sự sát thực tiễn, phù hợp với thị trường, gỡ bỏ được các vướng mắc, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Việc nhận thức rõ quá trình góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa thể hiện sự tôn trọng quyền chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, đồng thời nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng của nhân dân; tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

LAM GIANG

 
;
.