Trước bão dữ
Sáng 26/9, bão NORU đã vượt qua đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh.
Người dân miền Trung xưa nay vẫn như vậy. Chẳng có năm nào lại không có vài cơn bão đổ bộ. Ai đã từng lớn lên ở dải đất miền Trung, trải qua cảnh ngồi co quắp trong mái nhà tranh, bên ngoài là tiếng gió bão gào hú, mới nếm trải hết nỗi sợ khi bão đến. Có khi bão vào trong đêm, sáng mai mở cửa… Chao ôi, cây cối ngả nghiêng. Cam, bưởi rụng lăn lóc dưới những cành lá bị gió xé toạc…
Bây giờ những cảnh đó đã bớt đi nhiều. Vì mặt bằng đời sống nhân dân được cải thiện, người dân ở các địa phương, nhất là khu vực miền Trung có điều kiện và khả năng để xây dựng nhà cửa kiên cố hơn.
Cũng nhờ vậy, trong những năm gần đây, thiệt hại do bão gây ra trên cả nước đã giảm mạnh. Công tác dự báo diễn biến của bão cũng ngày một chính xác. Điều kiện thông tin liên lạc, thiết bị hỗ trợ tàu thuyền hiện đại hơn. Bên cạnh đó, là sự chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền trong thực hiện các giải pháp ứng phó… Bởi vậy, thời điểm này, nói đến cùng, không có lý do gì phải gánh chịu những thiệt hại không đáng có vì bão.
Với tinh thần cách cảnh giác cao độ trước bão NORU, những ngày qua, Chính phủ yêu cầu các cơ quan và địa phương triển khai công tác ứng phó theo phương châm khẩn trương, quyết liệt. Các cuộc họp không cần thiết bị đình hoãn. Tàu thuyền, phương tiện trên biển được rà soát, kiểm đếm và được yêu cầu vào các điểm tránh trú bão. Người dân những nơi nguy hiểm đã được sơ tán. Học sinh sẽ được nghỉ học và trường học đóng cửa để bảo đảm an toàn.
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp của Bão số 4 nhưng UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo các đơn vị, lực lượng có liên quan triển khai kế hoạch ứng phó với bão.
Tại các cảng cá trong tỉnh, ban quản lý các cảng đã tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng liên lạc hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, chằng chống các điểm xung yếu để bảo đảm an toàn trước gió lớn. Với sự làm việc khẩn trương, tích cực, đến chiều 26/9, tất cả tàu đánh bắt xa bờ của Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào nơi tránh trú bão an toàn, trút bớt được một nỗi lo lớn của địa phương về an toàn cho ngư dân và tàu thuyền.
Có thể nói, đến lúc này, người dân các địa phương đã hoàn toàn chủ động trước bão. Nhưng khi bão chưa đến, cũng chưa thể nhìn thấu hết nguy hiểm. Điều cần thiết vào lúc này, với mỗi người, là một thái độ cảnh giác tuyệt đối trước thiên tai. Việc tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của chính quyền địa phương, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, ứng phó là phương án hữu hiệu nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong tâm bão, hay chỉ là vùng chịu ảnh hưởng.
HOÀNG NAM