Thay đổi một thói quen

Chủ Nhật, 14/08/2022, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Câu chuyện phân loại rác tại nguồn đang thu hút sự quan tâm của dư luận trở lại khi ngày 25/8, thời điểm Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực đã đến gần.

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), sau ngày 25/8 vẫn chưa tiến hành xử phạt. Lộ trình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024. Tuy vậy, dư luận cho rằng, đây là cơ hội tốt để người dân thay đổi thói quen, “tăng tốc” phân loại rác tại nguồn, hình thành một nếp sống xanh, bền vững trong chuỗi kinh tế tuần hoàn.

Người dân BR-VT biết đến khái niệm “phân loại rác tại nguồn” từ cuối năm 2020 khi Tập đoàn SCG phối hợp với DN xã hội mGreen (TP. Hồ Chí Minh) triển khai thí điểm Dự án Phân loại rác thải thí điểm tại 2 trường: TH Long Sơn 1 và Long Sơn 2 (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Tiếp đó là chương trình phân loại rác tại nguồn cho cư dân xã Long Sơn cũng do Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn phối hợp với TP. Vũng Tàu triển khai trong tháng 6/2022. Chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân, tổ chức trong chuỗi quản lý rác thải như người thu gom rác, vựa phế liệu và các đơn vị tái chế rác thải. Gần đây nhất là chương trình đổi rác lấy rau xanh ở xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) do UBMTTQ xã tổ chức.

Còn hơn 1 năm nữa mới đến thời điểm áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định 45 của Chính phủ. Thời gian tưởng là dài, nhưng kỳ thực lại rất ngắn với một công việc cần thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại đến thu gom, vận chuyển và xử lý đòi hỏi nhiều nguồn lực và thời gian.

Ngoại trừ 100% cư dân xã đảo Long Sơn biết, cách phân loại rác thải tại nguồn;trên 50% khối lượng rác tái chế được thu hồi, phần lớn người dân BR-VT vẫn chưa biết cách phân loại rác thành 3 loại chất thải hữu cơ, chất thải tái chế và chất thải khác như thế nào. Thói quen của nhiều người vẫn là bỏ chung tất cả các loại rác vào một túi/thùng rác, mà không cần biết trong số rác thải đó có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.

Nói như vậy để thấy rằng, từ bỏ một thói quen rất khó. Để thay đổi thói quen đó, cơ quan chức năng cần truyền thông nhiều hơn, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các hộ gia đình và cả cộng đồng. Không chỉ vậy, còn giải thích cho người dân hiểu thế nào là chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải rắn cũng như hướng dẫn cách phân loại rác. Nhưng, chỉ với nhận thức và quyết tâm của người dân thôi cũng chưa đủ, nếu như chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không có sự chuẩn bị chu đáo; chuyên nghiệp hóa lực lượng thu gom rác, xây dựng quy trình, đầu tư công nghệ xử lý rác thải đồng bộ, phù hợp. Thực tế cho thấy, trong những lần triển khai thí điểm phân loại rác ở nhiều địa phương, rác thải sau khi phân loại tại các hộ gia đình lại được đổ chung vào một xe gom khiến việc phân loại rác không còn nhiều ý nghĩa.

Cuối năm 2024, ai không phân loại rác sẽ bị phạt. Nghị định 45 của Chính phủ quy định, những cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm. Biện pháp mạnh này là cần thiết, góp phần chuẩn hóa hành vi của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nó không chỉ thúc đẩy người dân có ý thức hơn trong công tác phân loại rác, mà còn tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa, túi ni lông để thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Phân loại rác là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý, hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường và điều này chỉ có hiệu quả khi được xúc tiến tại nguồn. Xây dựng ý thức phân loại rác tại nguồn, đồng nghĩa với việc nâng các giá trị nhận thức, hành động chung mang tính cộng đồng. Với ý nghĩ đó, đây là thời điểm để người dân thay đổi một thói quen, “thực tập” việc phân loại rác tại nguồn dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân - đặc biệt là sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong chuỗi quản lý rác thải… chắc chắn chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, tiền đề quan trọng để giải quyết nạn rác thải trên địa bàn.

TRƯƠNG TÙNG

;
.