Khi vắc xin không còn "ế"
Chiều 12/8, theo lịch đăng ký trước, nhiều cán bộ, nhân viên cơ quan tôi đã đến Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu để tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. Không còn cảnh rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt tiêm vắc xin như 1 năm trước, nhưng số người từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác đến tiêm mũi 4 cũng khá đông.
Anh Nguyễn Văn Hải, làm việc tại một DN trên địa bàn TP. Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi tiêm mũi 3 từ đầu năm, nay được công ty cho đi tiêm mũi 4 để bảo đảm an toàn còn bước vào mùa cao điểm hoàn thành kế hoạch cuối năm. Thấy nhiều người sau khi tiêm vẫn khỏe mạnh bình thường nên tôi không có gì lo ngại”.
Lãnh đạo phường 1, TP. Vũng Tàu thì cho biết, trong mấy đợt tiêm mũi 3, mũi 4 gần đây, người dân đến rất đông nên chỉ khoảng 9 giờ sáng là đã hết vắc xin, trái ngược hẳn với tình trạng “ế ẩm” vài tháng trước. Tương tự, bí thư chi bộ khu phố nơi tôi ở cũng thông báo trên nhóm zalo: do số lượng liều vắc xin được phân bổ ít nên trong đợt tiêm sáng thứ Bảy này (ngày 13/8) chỉ ưu tiên mời những người lớn tuổi. Một số cư dân đăng ký tiêm nhưng chưa được đáp ứng, đành hẹn đợt sau.
Khoảng 2 tháng trước, nhiều người dân vẫn còn tâm lý cho rằng tiêm vắc xin gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Mặc dù không có sơ sở khoa học nhưng những lời đồn về vắc xin phòng COVID-19 gây suy giảm trí nhớ, tổn hại sức khỏe sinh sản… lại được vô tư truyền tai nhau, dẫn đến nhiều người từ chối tiêm mũi 3, mũi 4. Điều này dẫn đến tình trạng một số điểm tiêm bị “ế” vắc xin. Do vậy, số người đi tiêm mũi 3, mũi 4 tăng lên trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng.
Ai đã từng bị COVID-19, đặc biệt là những người bị bệnh nặng sẽ thấy rõ hậu quả của nó và càng thấy tầm quan trọng của vắc xin. Trong khi đó, những người chưa mắc bệnh hoặc mắc bệnh nhưng triệu chứng nhẹ vẫn có tâm lý chủ quan, xem thường bệnh, coi COVID-19 chỉ là bệnh cảm cúm thông thường và tuyên bố không cần tiêm vắc xin thì cần phải xem lại. Hành vi này gây nên những hiểu nhầm, khiến nhiều người không đi tiêm mũi 3, mũi 4.
Các nhà khoa học đã chứng minh, vắc xin phòng COVID-19 không ngăn chặn được dịch bệnh xâm nhập nhưng tạo kháng thể bảo vệ cơ thể trong trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2. Vắc xin giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ hậu COVID-19 là những ưu điểm đã được khẳng định từ thực tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhiễm COVID-19 trong nước hiện nay vẫn ở mức vài ngàn ca/ngày. Con số thực tế chắc chắn cao hơn bởi nhiều người nhiễm bệnh không khai báo. Nhiều người bị tái nhiễm lần 2, lần 3 cho biết, các triệu chứng nặng hơn lần 1. Dịch COVID-19 tại nước ta đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn, nhất là khi mọi hoạt động đã được bình thường và nhiều người có tâm lý chủ quan cho rằng đã hết dịch. Hơn nữa, tỷ lệ dân số cả nước tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 còn thấp, đặc biệt là ở nhóm trẻ từ 5-12 tuổi và 12-17 tuổi. Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là học sinh các cấp sẽ bước vào năm học mới. Nếu các em không được tiêm đủ liều vắc xin nhắc lại, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Chủ động tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 trước hết là để bảo vệ bản thân, gia đình và bảo vệ cộng đồng, tránh làm lây lan dịch bệnh là việc nên làm. Đừng vì những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học mà bỏ qua những mũi tiêm này, để rồi lại tiếc nuối khi nhiễm bệnh. Khi đó, hậu quả do bệnh để lại sẽ nặng hơn rất nhiều.
NGUYỄN ĐỨC