.

Rác thải đại dương và hành động của chúng ta

Cập nhật: 19:28, 10/08/2022 (GMT+7)

Những bức hình trong phóng sự ảnh “Quần quật thu gom rác thải đại dương từ mờ sáng” đăng trên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu số ra ngày 9/8 được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, đại dương đang thực sự kêu cứu khi phải oằn mình hứng chịu lượng rác thải khổng lồ. Không chỉ bèo, cành củi khô mà còn có một lượng lớn là chai lọ, hộp xốp và đồ nhựa dùng một lần. Điều này không chỉ gây cho môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của các địa phương.

Một dự báo được tổ chức môi trường đưa ra là đến năm 2025, trên đại dương cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Các nghiên cứu cũng cho thấy, rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng... Con số này sẽ tăng hơn nữa khi đồ nhựa, xốp dùng một lần vẫn còn tràn ngập khắp nơi ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là thực phẩm và đồ gia dụng. Từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến chợ truyền thống, thịt chia nhỏ đựng trong hộp nhựa, khay xốp, hành, rau thơm bao nilon quấn quanh. Một người đi chợ phải xách đến 3-4 túi nilon đựng thực phẩm về nhà. Con số thống kê gần đây cũng cho thấy, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ 41,3 kg nhựa mỗi năm. Dù ai cũng biết mối nguy hại từ rác thải nhựa, nhưng để giảm tiêu thụ, tăng tái chế, phân loại rác ngay từ đầu nguồn và bỏ rác đúng nơi quy định thì vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Thực trạng trên đòi hỏi cần phải ngăn chặn ngay tình trạng xả rác thải ra môi trường. Trong đó, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Việc phải làm ngay lúc này là tổ chức thu gom rác thải nhựa, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nilon, hộp xốp và đồ nhựa dùng một lần. Đồng thời chấm dứt thói quen xả rác vừa bãi, bỏ rác lẫn lộn chưa qua phân loại bởi điều này là mối nguy cho công tác bảo vệ môi trường cũng như lãng phí tài nguyên.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8 tới đây dù chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm xử phạt cần phải tính toán tuyên truyền mạnh để người dân xem phân loại rác như một tập quán trong đời sống hàng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội. Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Những ích lợi đó có lẽ không cần phải nói nhiều thêm nữa, mà giờ là lúc thúc đẩy nhận thức thành hành động cụ thể, quyết liệt từ mỗi người dân. Bởi lẽ lâu lâu, rác thải chưa được các hộ gia đình quan tâm đúng mức và cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc các đơn vị quản lý rác thải thực hiện phân loại sẽ khó khăn gấp bội, gây quá tải cho các bãi rác cũng như việc xử lý ô nhiễm môi trường. Do vậy, phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Và rõ ràng ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Chính mỗi người chúng ta sẽ là một nhân tố tạo ra đại dương xanh – hành tinh xanh. Trong đó, điều đầu tiên mà ai cũng có thể làm là nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon, hộp xốp, không xả rác bừa bãi ra môi trường và tiến tới, tự phân loại rác ngay tại nhà.

NGÔ GIA

.
.
.