Cảnh giác với thủ đoạn mua bán người
Từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài, hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài.
Đáng chú ý, với chiêu trò tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc, cùng lời hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do nước ngoài điều hành.
Mới đây, Công an TP.Hải Phòng nhận được tin trình báo của gia đình 4 nạn nhân là các thanh, thiếu niên dưới 16 tuổi, bị đối tượng Nguyễn Văn Anh lừa bán sang Campuchia, ép làm việc trong sòng bài. Hiện, cơ quan công an đang điều tra làm rõ hành vi mua bán người của Anh.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống mua bán người được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, tích cực triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ mua bán người. Điển hình, cuối tháng 6 đầu tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng, giải cứu, nhanh chóng đưa về nước an toàn 7 công dân bị bán sang Campuchia, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng, cũng như góp phần giải quyết triệt để tình trạng người Việt Nam bị đưa sang Campuchia lao động cưỡng bức - một vấn đề đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của con người.
Hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề cho hầu hết các nạn nhân, khi họ trở về sẽ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Về thể chất, sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, bị giam giữ, đánh đập, tra tấn đến mang thương tích, bóc lột tình dục, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác.
Tinh thần thì hoảng loạn, không ổn định do còn ám ảnh nỗi sợ hãi, ức chế tâm lý, trầm cảm. Không chỉ nạn nhân mà gia đình họ cũng gánh chịu nỗi đau thương nhớ, nỗi lo về sự an toàn của người thân bị tội phạm mua bán người gây ra. Do đó, mua bán người không chỉ là hành vi phạm tội, mà đó là tội ác cần phải được pháp luật nghiêm trị thích đáng.
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Trước thực tế đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người.
Tăng cường đấu tranh với tội phạm mua bán người. Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cần tổ chức phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm.
PHÚC MINH