.

Chặn "vòi bạch tuộc" tín dụng đen

Cập nhật: 18:27, 24/08/2022 (GMT+7)

“Chị ơi, em không vay tiền hay lừa đảo ai mà hình ảnh của em bị đăng lên mạng xã hội, tố giác em cùng nhóm 2 người nữa là nhóm lừa đảo, quỵt nợ. Ai thấy em thì báo công an bắt giữ. Giờ phải làm sao đây chị?”, Hà – một người em đồng hương hốt hoảng gọi điện thoại cho tôi cầu cứu. Hỏi kỹ mới biết, té ra là bạn của Hà có vay tiền trên app cho vay nặng lãi trực tuyến, lãi mẹ đẻ lãi con, con số ban đầu vài chục triệu đồng nay đã lên hàng trăm triệu và hiện đã không còn khả năng trả lãi.

Đây không phải là lần đầu tiên, bản thân tôi cũng rất nhiều lần nhận tin nhắn trong messenger từ những tài khoản lạ, thông báo rằng bạn A.; B… đang lừa đảo, xù một khoản vay của họ và đề nghị nếu gặp thì báo công an gấp. Nhưng khi hỏi lại thì hầu hết những người này không vay, mà chỉ có người thân hoặc bạn bè của họ vay.

Có thể nói, tín dụng đen hoạt động vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Thông thường, các app cho vay nặng lãi thường quảng cáo cho vay số tiền nhỏ, tất toán nhanh, người dân không cần thế chấp, không cần tài sản đảm bảo, thay vào đó chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng... Giao dịch vay chủ yếu được thực hiện trực tuyến thông qua các website, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động và bằng những thao tác hết sức đơn giản. Ban đầu chỉ là khoản tiền nhỏ cho vay tính lãi theo ngày. Sau vài ngày không có tiền trả nợ, sẽ phải tất toán khoản vay, hủy hợp đồng cũ để ký hợp đồng mới với khoản vay mới là tổng số tiền còn nợ gốc cộng với lãi suất, có khi lãi suất lên tới 300-1.000%. Khi đó, người đi vay nhanh chóng mất khả năng thanh toán và bộ phận đòi nợ, với những biện pháp khủng bố tinh thần liên tục đe dọa. Đây cũng chính là trường hợp mà người bạn của Hà như đã kể trên mắc phải.

Thông tin trên báo chí những ngày gần đây cũng cho thấy, hoạt động cho vay nặng lãi qua app online ngày càng nở rộ. Giáo viên, công nhân viên chức lao động tại nhiều trường học, cơ quan, DN bị “khủng bố” hình ảnh trên mạng xã hội, cuộc gọi lạ gọi đến bất kể ngày đêm. Trong khi đó có không ít trường hợp người đi vay bị “khủng bố” tinh thần, gây áp lực ép trả nợ dẫn đến hành động tiêu cực.

Trên thực tế, những người vay nặng lãi không dám tố cáo, chính vì thế rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ra tay quyết liệt để loại trừ tín dụng đen vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Đồng thời đề xuất ban hành các chính sách mới đủ sức răn đe ngăn chặn kinh doanh và hoạt động của các tổ chức tín dụng đen, nhất là các app cho vay nặng lãi trực tuyến.

Bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về hậu quả của việc vay tín dụng đen thì hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần tăng cường mở rộng, có thêm các khoản vay nhỏ, ngắn hạn với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Ngoài ra, rất cần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đủ mạnh với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, làm cầu nối cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để không bị “mắc bẫy” tín dụng đen.

NGÔ GIA

 

.
.
.