Nhắc lại không thừa…
Đó chính là truyền thông, đặc biệt là phòng, chống sốt xuất huyết (SXH). Bởi mỗi năm, khi mùa mưa đến, ở mọi tổ dân cư, khu phố, đến xã, phường… đều được chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về phòng, chống SXH để giảm ca mắc, tử vong và tránh bùng phát dịch.
“Đều như vắt tranh”, năm nào cũng sẽ vậy, chưa kể SXH đã lưu hành suốt cả 4 mùa nên công tác truyền thông phòng, chống SXH được duy trì thường xuyên, liên tục, tưởng như khiến cho ai cũng thuộc lòng.
Vậy nhưng, SXH vẫn là nỗi ám ảnh khi tình hình vẫn không mấy khả quan, nhất là từ đầu năm đến nay, số ca mắc đã tăng cao gấp trên 13 lần so với cùng kỳ, số ca tử vong tăng mạnh với 8 trường hợp được ghi nhận. Thậm chí, tại 1 khu phố thuộc địa bàn Long Hải, huyện Long Điền có đến 3 trường hợp tử vong do SXH, ở địa bàn khác thuộc TP.Vũng Tàu, liên tục xuất hiện nhiều ổ dịch, với những ca nặng phải nhập viện điều trị.
Điều đáng quan ngại là, dù SXH đã lưu hành quanh năm (cao điểm vào mùa mưa) và được liên tục cảnh báo, truyền thông về nguy cơ, cách phòng, chống, dấu hiệu bệnh ở các phương tiện truyền thông, trong nhóm của các khu dân cư, tờ rơi, tờ gấp được phát đến tận nhà… nhưng vẫn không ít người còn chưa biết “triệu chứng của SXH là gì”, làm sao để không mắc… Qua các cuộc khảo sát ngẫu nhiên ở cộng đồng cho thấy, nhiều người còn rất mơ hồ về SXH và “sống chung” với muỗi truyền bệnh ngay trong nhà của mình mà không hề biết. Lăng quăng/bọ gậy được tìm thấy trong vỏ lon, gáo dừa, bình bông, chậu cảnh… ở sân vườn, trên bàn, góc nhà… vẫn tồn tại.
Trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh hồi đầu tháng 8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã cảnh báo về nguy cơ “dịch chồng dịch” có thể xảy ra nếu chủ quan, lơ là từ phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng. Trên thực tế, cúm A, SXH, tay chân miệng và COVID-19 đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt là SXH hiện đang ở chu kỳ bùng phát dịch, với số ca mắc, số ca trở nặng ở cả người lớn và trẻ em, số ca tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần của tình trạng trên có thể kể đến sự chủ quan đối với SXH của cộng đồng. Có những trường hợp chỉ khi trở nặng mới đến bệnh viện để xét nghiệm chẩn đoán SXH và điều trị thì đã vào sốc, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Trong khi đó, SXH không quá khó để phòng, chống với những biện pháp đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được ngay tại nhà, nơi làm việc. Cụ thể như: dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi vằn truyền bệnh. Cần phải loại bỏ những dụng cụ có thể chứa nước tồn đọng, vệ sinh, đậy nắp lu vại thường xuyên, thả cá 7 màu vào các hồ chứa, vật dụng trữ nước để loại trừ nơi muỗi đẻ trứng, sinh trưởng của lăng quăng/bọ gậy.
Theo khuyến cáo từ cơ quan y tế, thời điểm này do đang cao điểm mùa mưa và dịch SXH, vì vậy, nếu người bệnh có triệu chứng sốt phải nghĩ ngay đến mắc SXH để đến ngay Trung tâm Y tế, bệnh viện trên địa bàn để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán chính xác bệnh và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Xin đừng chủ quan với SXH cũng như với các dịch bệnh dễ lây truyền ở cộng đồng. Mỗi người chỉ cần có ý thức phòng vệ cho chính mình, cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống ngay tại nhà, nơi mình ở, làm việc đã là góp phần đẩy lùi dịch bệnh, trong đó có SXH.
HẠ VY