Tự phòng vệ trước nguy cơ sốt xuất huyết
Trên nhóm zalo của tổ dân phố nơi tôi ở vừa có thông báo về việc, cuối giờ chiều đội dịch tễ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi phải tạm dời qua ngày khác với lý do: phải ưu tiên cho khu vực có ổ dịch nguy cơ cao hơn. Tận vài ngày sau, tổ dân phố nơi tôi ở mới được tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Người dân cũng được huy động dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm để phòng, chống sốt xuất huyết.
Đặc biệt, năm nay, theo cảnh báo từ WHO, dịch sốt xuất huyết đang quay trở lại với chu kỳ 4-5 năm và đang có dấu hiệu bùng phát mạnh ở nhiều nước thuộc các khu vực trên toàn cầu. Sốt xuất huyết đang gia tăng chóng mặt tại các nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Singapore đang là điểm “nóng” nhất. Chỉ có 5,7 triệu dân nhưng số ca sốt xuất huyết tính đến cuối tháng 5/2022 của Singapore đã hơn 11.000, vượt xa con số 5.258 của cả năm 2021.
Tại nước ta, thống kê của các địa phương cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết của cả nước đã tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Tính đến ngày 11/6, cả nước đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết.
Còn tại BR-VT, tính đến 31/5, toàn tỉnh ghi nhận 2.019 ca sốt xuất huyết, trong đó riêng tháng 5 có 1.036 ca; tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể cho 2 tuần đầu tháng 6, nhưng theo dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng cao ở thời điểm này và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, mùa mưa sẽ còn kéo dài đến tận tháng 11 mới kết thúc.
Theo dự báo từ Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh việc khuyến cáo các địa phương chủ động tăng cường phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các Viện chuyên ngành trực thuộc (Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Pasteur TP.HCM; Pasteur Nha Trang và Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương; đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng, chống sốt xuất huyết. Việc sâu sát, hỗ trợ ngay từ đầu mùa dịch của các đoàn chuyên ngành Trung ương sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết.
Trên thực tế, sốt xuất huyết tuy không còn xa lạ với người dân, nhưng không vì thế mà ai cũng biết cách hoặc chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. Qua kiểm tra, giám sát tại các hộ dân, các khu dân cư của ngành y tế vẫn ghi nhận tình trạng người dân “sống chung” với nguồn nguy cơ sốt xuất huyết là muỗi vằn. Các ổ lăng quăng vẫn còn tồn tại trong các chậu hoa kiểng, các vật dụng chứa nước hoặc nước thải nhưng không bị loại bỏ. Dù rằng, năm nào các cấp, các ngành cũng tuyên truyền sâu, rộng về phòng, chống sốt xuất huyết, thậm chí còn ra quân rầm rộ và hướng dẫn tận nơi về cách phòng, chống, cách loại bỏ nguy cơ. Chính vì vậy, nguy cơ bùng dịch vẫn tăng cao mỗi khi mùa mưa đến.
Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết hiệu quả, biện pháp khả thi nhất vẫn là mỗi người dân, mỗi gia đình, tổ dân cư, khu phố phải tuân thủ đúng hướng dẫn, chịu khó diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, loại bỏ sớm nguồn lây. Và diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường phải là việc làm thường xuyên, duy trì hàng ngày như là cách tự phòng vệ của mỗi cá nhân, gia đình đối với sốt xuất huyết mới mong chặn đứng nguy cơ mắc và bùng phát dịch.
CHÂU GIANG