.

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Cập nhật: 17:29, 17/06/2022 (GMT+7)

Kinh tế tập thể (KTTT) là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân nước ta. Để KTTT cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng kinh tế hội nhập là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực để KTTT phát triển mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực dồi dào trong các tầng lớp nhân dân.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cả nước có 26.823 HTX, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp HTX, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% HTX hoạt động hiệu quả. Trong những năm gần đây, KTTT và kinh tế HTX đã góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng GDP, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 144 HTX, với tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng, thu hút 3.675 lao động, tỷ lệ HTX khá, giỏi đạt gần 60%. Hàng năm, số lượng HTX đều tăng và hoạt động hiệu quả hơn; doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân của người lao động tại các HTX đều được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, số cán bộ của các HTX có trình độ cao đẳng, đại học chiếm khoảng 16%.

Tuy vậy, KTTT, kinh tế hợp tác của nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập cần được quan tâm giải quyết: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; phần đông HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp; nhiều sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường; KTTT đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Đặc biệt, đang có một số “điểm nghẽn” trong nhận thức và hiểu biết chưa đúng về cơ chế hoạt động và vai trò của HTX; pháp luật và chính sách hỗ trợ cho KTTT còn nhiều bất cập, năng lực quản trị của nhiều HTX còn yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành chưa thực sự quan tâm đến kinh tế hợp tác và HTX; nhiều nơi còn buông lỏng quản lý hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tính chất tổ chức, hoạt động của HTX… dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.

Phát triển KTTT, kinh tế HTX giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) của Đảng, khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới. Theo đó, phải phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng; bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn. Có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của Trung ương lần này về phát triển KTTT phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các HTX kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Để KTTT, kinh tế hợp tác phát triển nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển KTTT. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với đội ngũ cán bộ HTX; từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển KTTT và kinh tế hợp tác…

HOÀNG LÊ

.
.
.