.

Sửa đổi chính sách, tăng độ phủ BHXH

Cập nhật: 20:51, 22/06/2022 (GMT+7)

Chị Trần Thị Phượng, ngụ tại TP.Vũng Tàu gắn bó với một DN đóng chân gần nhà đã 15 năm nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, số lượng đơn hàng giảm sâu, công việc ít, lương công nhân bị cắt giảm. Chị quyết định nghỉ việc, đầu tư máy ép nước mía bán ngay tại nhà để mưu sinh.

Thay vì tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện để về già có lương hưu, chị Phượng quyết định nhận “một cục”, đặng giải quyết khó khăn trước mắt, có tiền trang trải cuộc sống gia đình gồm 6 người, trong đó có 2 con nhỏ đang tuổi ăn học và bố mẹ chồng đã lớn tuổi. Chị Phượng cho rằng, theo như chị tìm hiểu, do thời gian đóng dài, phải đủ 20 năm, lại phải chờ đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi đối với nữ) mới được hưởng lương từ BHXH nên chị quyết định nhận BHXH một lần vì chị mới chỉ chưa tới 40 tuổi. “Có thể khi chính sách BHXH được sửa đổi như giảm thời gian đóng, mở rộng chính sách thụ hưởng, tôi sẽ trích một khoản thu nhập hàng tháng để tham gia”, chị Phượng nói.

Thời gian gần đây, nhất là trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng người lao động nghỉ việc xin nhận chế độ BHXH một lần gia tăng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành của cả nước, trong đó có BR-VT. Trong khi đó, số lượng lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện cũng đã có dấu hiệu gia tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết tại hội nghị đối thoại với người lao động vừa diễn ra, Bộ LĐTBXH đang chủ trì dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Hiện dự thảo đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ”.

Việc giảm năm đóng BHXH như trên sẽ tạo điều kiện cho lực lượng lao động phổ thông, phi chính thức chưa tham gia BHXH hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động có cơ hội tham gia kể cả khi đã ở ngưỡng tuổi ngoài 40. Việc sửa đổi chính sách là rất cần thiết, cũng nhằm tăng độ phủ BHXH, giảm gánh nặng an sinh. “Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cung cấp thông tin.

Song song với việc giảm năm đóng BHXH, những điều chỉnh về chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện (hiện mới chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất) cũng nhằm “níu” người lao động “ở lại” mà không ồ ạt rời đi như thời gian gần đây. Tránh được tình trạng tạo gánh nặng an sinh khi người già không được hưởng lương hưu do không tham gia BHXH quá đông. Dù người lao động tham gia BHXH dưới hình thức nào thì cũng nên được hưởng các chính sách công bằng như nhau (ốm đau, thai sản, thương tật, tai nạn lao động, hay thất nghiệp…).

Việc sửa đổi cũng được cơ quan chức năng nhắm đến linh động mức đóng theo “đa tầng thu nhập” và mức hưởng lương hưu khi về già để thu hút được nhiều hơn đối tượng tham gia. Đó chính là sự nhân văn, tạo điều kiện cho số đông lao động tự do, phi chính thức có cơ hội hưởng thụ chính sách an sinh từ BHXH như thai sản, thất nghiệp hay tai nạn lao động… mà hiện nay đang “bỏ trống”.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi hiện đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến góp ý, nhưng đã nhận được sự đồng thuận của người lao động. Đặc biệt, nhiều người còn mong muốn được bảo lưu thời gian đóng BHXH sau khi đã rút 1 lần để người lao động có cơ hội quay trở lại mạng lưới an sinh.

Và sự linh hoạt về thời gian đóng, mức đóng BHXH tự nguyện, cũng như mở rộng chính sách thụ hưởng là nhân tố quan trọng tác động tới người lao động để ngày càng có nhiều hơn nữa lực lượng tham gia BHXH.

CHÂU PHẠM

.
.
.