Hôm nay (6/5), UBND tỉnh tổ chức lễ tôn vinh các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, toàn bộ hệ thống chính trị đã được huy động tham gia công tác phòng, chống dịch, từ việc trực chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh đến trực tại các chốt bảo vệ vùng xanh, khu cách ly, bệnh viện. Trong đó, các lực lượng tuyến đầu như: y tế, quân đội, công an, dân quân tự vệ, dân phòng, đoàn viên thanh niên… đã không ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm dầm mưa dãi nắng trực chốt kiểm soát nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn.
Khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh (từ tháng 7 đến tháng 10/2021), tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn có mặt sớm nhất tại các “điểm nóng”, trắng đêm tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhằm sớm tìm ra F0 để kịp thời khoanh vùng, không để dịch lây lan rộng. Họ cũng phải làm việc với cường độ cao, áp lực lớn ở các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhiều người sau khi kết thúc thời gian trực theo quy định đã tình nguyện ở lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và kéo dài nhiều ngày.
Tương tự, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu cũng phải xa gia đình đằng đẵng mấy tháng trời, dù có khi nơi làm việc chỉ cách nhà vài cây số. Khi gia đình có việc hệ trọng, họ đã không thể có mặt kịp thời. Họ chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư, gác lại việc riêng, không quản hiểm nguy, xông pha nơi tuyến đầu với mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất là sớm khống chế dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trong đó, nhiều người đã trở thành F0 trong quá trình làm nhiệm vụ.
Trong cuộc chiến với đại dịch, thật khó có thể kể hết những vất vả, sự hy sinh của các lượng lượng này, cũng như những tấm gương điển hình trong phòng, chống dịch. Những nỗ lực, sự hy sinh của họ đã góp phần giúp địa phương và cùng cả nước từng bước kiểm soát dịch bệnh, đưa địa phương và đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới từ tháng 10/2021.
Đóng góp vào những thành quả trong công tác phòng, chống dịch không thể không thể nhắc đến những cán bộ, công chức trong khối chính quyền, MTTQ, cán bộ, hội viên các hội đoàn thể như: người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên; chủ doanh nghiệp, nhà báo, chức sắc tôn giáo… Họ đã tích cực tham gia lực lượng trực chốt bảo vệ vùng xanh, kiểm soát người ra vào địa bàn dân cư, tổ đi chợ giúp người dân ở các khu vực bị phong tỏa, tham gia công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch. Đây cũng là lực lượng tích cực quyên góp, vận động nhu yếu phẩm, quà tặng để trao đến những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh, giúp người dân an tâm ở nhà để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền.
Việc tổ chức lễ tôn vinh các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, ghi nhận công sức đóng góp của các lực lượng. Do điều kiện hạn chế về số lượng, các cá nhân, tập thể được khen thưởng, tôn vinh trong dịp này chỉ là những đại diện tiêu biểu cho các lực lượng. Trên thực tế, còn rất nhiều tập thể, cá nhân đã làm tốt công tác phòng, chống dịch và họ cũng rất xứng đáng được tôn vinh. Vì vậy, dù không xuất hiện tại lễ tôn vinh lần này, nhưng những đóng góp của họ vẫn luôn được chính quyền trân trọng ghi nhận, được nhân dân ghi nhớ, tri ân.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã trải qua thời gian dài, đến nay là gần 2,5 năm và chưa kết thúc khi vẫn có những biến chủng mới của loài virus nguy hiểm này. Vì vậy, nhiều người gọi công tác phòng chống dịch là “cuộc chiến” với COVID-19. Và các lực lượng tham gia “cuộc chiến” đó được ví như những chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Những người tham gia tích cực, có những đóng góp tiêu biểu xứng đáng được người dân yêu mến gọi là những người hùng thầm lặng trong “cuộc chiến” này.
NGUYỄN ĐỨC