Chỉ sau 1 giờ đồng hồ livestream, toàn bộ lô hàng thời trang của các hãng nổi tiếng như Zara, Cos, Muse, Mango… mà chị Bích Ngọc vừa nhập về đã được khách hàng chốt đơn. Thậm chí có một số sản phẩm cháy hàng, phải đặt chuyến sau. Theo chị Bích Ngọc, thông thường các khung giờ như trưa từ 12 đến 13 giờ, tối từ 20 đến 22 giờ được chị em “canh” xem và chốt mua hàng nhiều nhất.
“2 năm qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cửa hàng phải trả mặt bằng vì thu không đủ chi, tôi nhận ra bán hàng trực tuyến đang là hướng đi mới khả quan. Ngoài việc không phải trả chi phí mặt bằng, thời gian rảnh rỗi nhiều hơn để làm việc khác thì doanh số bán hàng qua livestream cao gấp đôi so với bán trực tiếp”, chị Bích Ngọc cho hay.
Có thể nói, bán hàng và mua hàng thông qua livestream đang ngày càng phổ biến, là một phần không thể thiếu trong phát triển kinh tế số. Thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, trong 2 năm qua đã có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50 ngàn nhà cung ứng sản phẩm. Cả nước cũng có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường. Những người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến.
Không chỉ các cửa hàng kinh doanh nhỏ, kinh tế số cũng đang khiến cho các DN phải thay đổi cách thức vận hành và được xem là sự sống còn để DN phát triển. Đó là nhanh chóng chuyển đối số để chuẩn hóa quản trị DN và tự động hóa sản xuất, tăng trưởng năng suất lao động. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thay đổi, cách thức vận hành của các DN chắc chắn cũng phải thay đổi để nhanh chóng thích ứng.
Tuy nhiên, cho đến nay rất nhiều DN cũng như người dân còn khá mơ hồ khi nói về khái niệm “kinh tế số”.
Theo các nhóm nghiên cứu, kinh tế số là được hiểu đó là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistics, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, nói một cách đơn giản là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, DN có thể sử dụng công nghệ số làm tốt hơn công việc của mình như dùng camera để giảm số lượng người bảo vệ, hay dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy... Đó là số hóa nền kinh tế. Rõ ràng, kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn và kết quả là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn. Hay hiểu một cách đơn giản như việc livestream bán sản phẩm thời trang mà chị Bích Ngọc thực hiện 2-4 lần trong 1 tuần.
Kinh tế số là một trong 3 trụ cột xây dựng quốc gia số. Các nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số bên cạnh tài nguyên truyền thống. Sử dụng tài nguyên này ra sao để hiệu quả, để bắt kịp xu hướng số của thế giới là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Riêng tại BR-VT, năm 2022 tỉnh cũng đặt trọng tâm tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tín hiệu rõ ràng và tích cực nhất là tỉnh đã khai trương Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Tỉnh cũng đặt ra chỉ tiêu 30% các DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 50% sử dụng hợp đồng điện tử, 80% sử dụng hóa đơn điện tử; 50% có tên miền .vn; nghiên cứu nền tảng cảng biển thông minh phục vụ lưu thông liên cảng (“cảng mở”), tối ưu hóa việc luân chuyển container và vận chuyển hàng hóa…
Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân…
Mục tiêu là vậy nhưng muốn để thúc đẩy kinh tế số phát triển, ngoài cơ chế pháp lý phù hợp và chặt chẽ thì cần ưu tiên đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực cũng như các yếu tố đi kèm.
NGÔ GIA