Lựa chọn giới tính thai nhi - hành vi bạo lực gia đình

Thứ Năm, 12/05/2022, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, ngày 9/5, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).  

Đáng lưu ý, phát biểu tại hội thảo, TS. Khuất Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Luật (ĐH Lao động Xã hội) cùng một số chuyên gia đề nghị bổ sung thêm hành vi “lựa chọn giới tính của thai nhi” vào phần hành vi bạo lực gia đình. Lựa chọn giới tính thai nhi, trên thực tế không phải là vấn đề mới, nhưng đây là lần đầu tiên được đề nghị là một trong những hành vi bạo lực gia đình trong một dự thảo luật.  

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ 15/11/2020) đã quy định về xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế, rất hiếm có trường hợp nào bị xử phạt vì hành vi này. Và có lẽ, vẫn ít ai cho rằng, đây lại có thể là hành vi bạo lực gia đình. Dù biết rằng, khi buộc phải lựa chọn giới tính thai nhi, chính người mẹ/vợ đã chịu áp lực từ chồng, gia đình chồng để sinh con theo ý muốn. Nếu không xét đến góc độ nhân đạo, hành vi nạo phá thai do lựa chọn giới tính đã tước đi cơ hội sống của những đứa trẻ.  

Tôi từng chứng kiến, cả gia đình chồng của một người bạn đã tổ chức cuộc họp để “giao chỉ tiêu” cho vợ chồng bạn phải sinh thêm con cho đủ “nếp, tẻ”. Dù rằng, bạn đã gần 50 tuổi, có 2 con gái đã lớn, đều đang là sinh viên đại học. Bạn tôi chia sẻ, chỉ những người trong cuộc mới hiểu được áp lực về tinh thần tới mức nào, khi phải gánh trên vai nỗi khao khát có con trai  của gia đình chồng. Cảm giác như bị “cả thế giới quay lưng”, trong đó có cả người chồng đầu ấp tay gối bao năm. Có lẽ, những người trong cuộc không hiểu đang có hành vi bạo lực với chính người thân trong gia đình của họ, mà cho rằng, đó là trách nhiệm và có như vậy mới là hạnh phúc. 

Ở thời điểm hiện tại, tuy rằng tâm lý trọng nam khinh nữ, "có nếp, có tẻ" đã "giảm nhiệt" so với trước, sau nhiều năm các ngành, các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, với những câu khẩu hiệu như "dù gái hay trai, chỉ hai là đủ", nhưng không hẳn hiếm gặp. Có những gia đình "tan đàn xẻ nghé" chỉ vì "vợ không biết đẻ", không sinh được con trai cho chồng để "nối dõi tông đường"...

Thảo luận về dự án luật, đa số đại biểu cho rằng, sau gần 15 năm thực hiện, nạn bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. 

Tương tự như vậy, hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, dù đã có chế tài xử phạt từ lâu nay, nhưng vẫn khó ngăn chặn, xử lý vi phạm. Vì vậy, việc bổ sung hành vi này vào Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là rất cần thiết. 

Để phòng ngừa bạo lực gia đình, công tác giáo dục, tuyên truyền rất quan trọng, từ trẻ mẫu giáo cho đến các bậc học cao hơn đều cần được học với mức độ phù hợp lứa tuổi. Với hành vi phân biệt giới cũng cần được tuyên truyền ở mọi lứa tuổi để xóa bỏ tư tưởng, quan niệm cổ hủ này. 

DIỆP CHÂU

;
.