Cần có giải pháp quyết liệt hơn trong đầu tư công

Thứ Hai, 09/05/2022, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh, diễn ra vào cuối tuần qua.

Để bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn 2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Rà soát, điều chuyển vốn các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn..., để từ đó có cơ sở phân bổ nguồn vốn đầu tư.

Sỡ dĩ, cần phải có giải pháp quyết liệt hơn trong đầu tư công, bởi trong thời gian qua, dù các các sở, ngành địa phương đã quyết liệt vào cuộc gỡ  khó cho các dự án, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Tính đến hết hết tháng 3/2022, tỉnh mới giải ngân được gần 11% kế hoạch giao.

Trên thực tế, không phải chỉ riêng BR-VT giải ngân ngân vốn đầu tư chậm mà tình trạng này đang diễn ra chung trong cả nước. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 4/2022 gần 95.725 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (đạt 18,65% kế hoạch). Trong đó có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%; thậm chí có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Đầu tư công được xác định là động lực quan trọng, giúp kinh tế phục hồi trong bối cảnh đại dịch đã được kiểm soát; là vốn “mồi” mang tính dẫn dắt để thu hút đầu tư tư nhân.  Theo ước tính của chuyên gia kinh tế, khi vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Nếu năm 2022 giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư công, thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm tăng trưởng.

Hơn nữa, vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Vì thế vốn đầu tư công có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33-34% GDP. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn.

Trước những cấp bách đó, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Thành phần tham gia các Tổ công tác của lãnh đạo Chính phủ gồm lãnh đạo các bộ, các cơ quan: KH-ĐT, tài chính, tư pháp, xây dựng, GT-VT, NN-PTNT, TN-MT, thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.

Tổ công tác này có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đồng thời xem xét trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại từng bộ ngành, địa phương. Báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

HOÀNG MINH

;
.