Giữ ổn định giá cả thị trường
Đầu tuần rồi, trên đường đón con gái đi học về, tôi ghé vào góc đường Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) mua mấy bịch bắp rang bơ cho tụi nhỏ. Vừa dừng xe, anh bán hàng vui vẻ mời chào: Chị mua mấy bịch, hôm nay mua thêm đi nha. Từ mai, tôi tăng giá rồi.
Vừa với tay lấy bịch bóng để bỏ bắp cho khách, anh chia sẻ, bán hàng ở đây bao nhiêu năm rồi, dù có biến động gì thì giá cũng không thay đổi. Nhưng từ ngày mai, sở dĩ tôi phải tăng giá thêm vài ngàn đồng/bịch vì giá đầu vào từ nguyên liệu, nhiên liệu đều tăng mạnh. Nếu không tăng giá, coi như bán hàng không có lời.
Qua khảo sát trên thị trường cho thấy, không riêng gì mặt hàng nhỏ như bắp rang bơ tăng giá, mà gần một tuần nay, ngay sau khi liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng dầu tăng thêm từ 469-547 đồng/lít, đưa giá xăng, dầu tiến sát mức 27.000 đồng/lít, ngay lập tức các loại thực phẩm như rau xanh, thủy hải sản, thịt heo… thiết lập mặt bằng giá mới, tăng thêm từ 10-20% so với trước. Theo các tiểu thương, giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận chuyển tăng cao, gần gấp rưỡi so với trước. Điều này khiến nhiều mặt hàng phải tăng giá bán từ 1-2 ngàn đồng/kg để bù cho các chi phí phát sinh.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp do tác động của diễn biến giá thế giới tăng. Đây là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. Các chuyên gia kinh tế nhận định, giá xăng dầu liên tục “leo thang” không chỉ tác động đến người tiêu dùng, tăng chi phí sản xuất mà còn tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Trước tình hình này, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá. Bộ này sẽ chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa.
Cụ thể, không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm. Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý.
Về giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước đang hoặc dự báo có biến động tăng cao trên thị trường thế giới để có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời để bình ổn thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu.
HÀ AN