.

"Chiến binh" áo trắng

Cập nhật: 17:57, 25/02/2022 (GMT+7)

Không rõ khái niệm “chiến binh áo trắng” - tên gọi dành cho lực lượng y, bác sĩ - ra đời từ khi nào, nhưng dễ dàng nhận thấy khái niệm ấy xuất hiện dày đặc trong khoảng hơn 2 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Thật vậy, từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020 và bùng phát đến nay, cùng với các lực lượng khác như quân đội, công an, đội ngũ y, bác sĩ luôn có mặt nơi tuyến đầu, xông pha đến các “điểm nóng” để tham gia khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ bệnh viện đến tuyến biên giới, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những “chiến binh” ấy tả xung hữu đột, khi thì dầm mưa dãi nắng xét nghiệm cho người dân trở về từ bên kia biên giới; lúc vào tâm dịch trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết; khi quên ăn, quên ngủ để theo dõi sức khỏe, chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành, hàng vạn y, bác sĩ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng “cắm chốt” tại các điểm cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện COVID-19 để lấy mẫu, điều trị, hết lòng chăm sóc bệnh nhân. Nhiều người trong số họ chấp nhận xa gia đình mấy tháng đằng đẵng, không thể ở cạnh người thân lúc cần kíp như cha mẹ ốm đau, qua đời; vợ sinh con… Nhiệm vụ và mục tiêu cao cả của họ lúc này là sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Hình ảnh những nhân viên y tế với khuôn mặt nhợt nhạt, ngã quỵ vì kiệt sức, hằn đỏ vết dây đeo khẩu trang lan truyền trên báo chí, mạng xã hội khiến người xem không khỏi cảm phục.

Hơn 2 năm phòng, chống dịch, vai trò của ngành y tế, trong đó có y tế cơ sở đã được khẳng định. Những đóng góp của ngành y tế là rất to lớn. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngành y tế còn phải bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân như bình thường. Để làm được điều đó, họ đã nỗ lực gấp bội trong thời gian dài mà nhiều người quen gọi là làm việc với hơn 100% công suất!

BR-VT là một trong những địa phương bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Từ khi ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng đầu tiên (cuối tháng 6/2021), với nhiều ổ dịch phức tạp, nhưng sau khoảng 3 tháng, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Khi nguồn vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế phân bổ về địa phương, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho toàn dân.

Nhờ vậy, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, tỉnh đã từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhanh chóng được khôi phục và đến nay đã gần như trở lại trạng thái bình thường. Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch đã được giành lại từ cửa tử… Những thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh.

“Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955.

Lời căn dặn của Người đã được các thế hệ y, bác sĩ duy trì và thực hiện tốt trong 67 năm qua. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tư tưởng “thầy thuốc như mẹ hiền” càng được thể hiện rõ nét nhất. Bỏ qua những “con sâu làm rầu nồi canh” lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế thực sự xứng đáng với lòng yêu mến và cảm phục của nhân dân với tên gọi “chiến binh áo trắng”!

NGUYỄN ĐỨC 

 

.
.
.