Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Giá thanh long và một số loại trái cây khác những ngày gần đây lại tái diễn tình trạng “rẻ như cho”. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc đang có biện pháp mạnh về phòng chống dịch COVID-19 và hạn chế nhập khẩu từ biên giới. Hàng ngàn xe chở nông sản, trong đó chủ yếu là thanh long, mít Thái, dưa hấu, xoài… đang ùn ứ tại các cửa khẩu.
Hình ảnh trên thêm một lần nữa cho thấy, việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường truyền thống, chiếm tới 54% thị phần đã khiến cho tiêu thụ trái cây luôn trong tình trạng bấp bênh. Đây cũng là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” từ nhiều năm qua mà vẫn chưa có một giải pháp căn cơ. Rủi ro từ xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên mậu được nhắc nhiều, thế nhưng các chủ hàng, DN vẫn “ngại thay đổi” bởi yêu cầu về chất lượng nông sản cũng như chi phí rẻ hơn xuất chính ngạch.
Trên thực tế, phương thức này đã không còn phù hợp khi Trung Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2015 ngang bằng châu Âu để đảm bảo chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là không được nhìn nhận Trung Quốc là thị trường “dễ tính”. Đặc biệt là từ 1/1/2022, theo chính sách mới, tất cả hàng hóa thực phẩm, trong đó có nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải đáp ứng các quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.
Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có một cơ quan phân tích, dự báo thị trường, từ đó khuyến cáo người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, chứ không phải năm nào cũng chạy theo giải quyết ùn tắc. Trước mắt cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Các địa phương cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh đó, nhà sản xuất, cần mở rộng thêm nhiều thị trường cho hàng xuất khẩu, thay vì phụ thuộc vào một thị trường truyền thống và đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển các kho lạnh bảo quản hàng hóa. Từ kết quả xuất khẩu trái vải, sầu riêng sang Mỹ, Australia... cũng cho thấy, nếu DN “bắt tay” với HTX, nông dân sản xuất theo chuỗi, có thương hiệu, có mã vùng, mã vạch, xuất xứ đầy đủ... thì không chỉ “đường đường chính chính” vào thị trường Trung Quốc bằng xuất khẩu chính ngạch mà còn có cơ hội mở rộng thị trường các nước khác trên thế giới.
Về lâu dài, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5-6%/năm... Chiến lược cũng có tầm nhìn xa hơn khi xác định đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Tất nhiên, để góp phần đạt được mục tiêu trên, chắc chắn người nông dân – chủ thể trong phát triển nông nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; lấy giá trị làm mục tiêu, biết tính đến chi phí, lợi nhuận, biết ứng dụng khoa học công nghệ, biết liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản sao cho tối ưu giá… Làm được như vậy, nông dân sẽ giàu, ngành nông nghiệp sẽ mạnh.
NGÔ GIA