Ngăn hệ lụy từ giá xăng dầu
Tan ca chiều, chị Oanh, công nhân một công ty may tại TP. Vũng Tàu ghé vào hàng thực phẩm gần nhà trọ để mua thức ăn, chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Mua được mấy lạng thịt, bìa đậu hũ, vài trái cà chua và mớ rau, chị chia sẻ: Chừng này là đủ bữa tối cho vợ chồng và 2 đứa con đang học tiểu học. Tính ra, bữa ăn này đã tăng thêm hơn chục ngàn đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Vợ chồng chị Oanh cùng làm công nhân may. Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, anh chị phải giảm việc, giảm thu nhập vì công ty gặp khó khăn về đơn hàng. Điều đó khiến anh chị phải chật vật và khéo thu vén lắm mới có thể duy trì được chi tiêu gia đình và trả tiền thuê trọ. “Vừa được khôi phục việc làm và thu nhập trở lại chưa bao lâu thì giá xăng dầu, thực phẩm đã từng bước nhích lên khiến chi phí sinh hoạt tăng theo. Trong khi đó, lương không tăng khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm chật vật”, chị Oanh thở dài nói.
Tâm sự của chị Oanh cũng là nỗi lòng của bao người, đặc biệt là những người lao động như chị. Năm 2021 là một năm đáng quên khi dịch bệnh COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng phải đóng cửa. Hàng triệu người lao động bị mất việc, giảm việc dẫn đến mất thu nhập hoặc giảm thu nhập. Những khó khăn do dịch bệnh gây ra chưa được khắc phục, thì DN, người dân lại phải đối mặt với khó khăn do tác động của việc tăng giá xăng dầu.
Kể từ tháng 25/12/2021 đến 11/2/2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng liên tiếp 4 lần, lên mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, lên mức 25.450 đồng/lít (xăng RON95-III). Việc giá xăng dầu tăng đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đánh bắt và chế biến thủy sản, vận tải. Giá xăng dầu tăng còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất và tạo áp lực lên lạm phát, làm gia tăng chi phí sinh hoạt của người dân.
Do giá xăng dầu thế giới tăng cao và tình trạng khan hiếm nguồn cung nên một số đơn vị bán lẻ (cây xăng) tại khu vực phía Nam phải tạm ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt, bởi “càng bán càng lỗ”. Nguyên nhân là do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất và giá xăng dầu thế giới liên tục tăng trong thời gian qua khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Giá xăng dầu thế giới được dự báo vẫn chưa hạ nhiệt trong thời gian tới khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Điều này không chỉ tác động đến giá tiêu dùng, làm tăng nguy cơ lạm phát mà còn gây ra những thách thức lớn đối với đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hơn nữa, giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của các gói kích thích kinh tế đã được Quốc hội thông qua.
Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu, ngày 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về cung ứng xăng dầu. Phó Thủ tướng khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, mặt hàng này phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.
“Bộ Công thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Đồng thời, Bộ Công thương cũng cần kiểm tra, thanh tra ngay với các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng đóng cửa, dừng hoạt động để xử lý hành vi găm hàng trục lợi.
Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự quản lý, điều hành của Bộ Công thương, tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong nước sẽ sớm được khắc phục. Đồng thời, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn khi liên bộ Tài chính - Công thương rà soát quy định về thuế, phí, tính toán lại chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở để phù hợp tình hình thực tế. Từ đó, những hệ lụy từ việc thiếu hụt xăng dầu cũng như tình trạng xăng dầu tăng giá sẽ được ngăn chặn kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục hồi và phát triển kinh tế.
ĐỨC NGUYÊN